Multimedia Đọc Báo in

"Giữ lửa" hạnh phúc từ những bữa cơm gia đình

08:36, 28/06/2022

Cuộc sống hiện đại, con người dần quen với nhịp “sống nhanh”, “ăn nhanh”… nên các thành viên trong gia đình càng có ít thời gian dành cho nhau. Chính bởi vậy, bữa cơm gia đình hằng ngày lại càng có ý nghĩa đặc biệt không chỉ vun đắp yêu thương mà còn là "chất keo" gắn kết các thành viên trong gia đình.

Gia đình là nơi an toàn, ấm áp nhất mà bất kỳ ai cũng luôn hướng về sau một ngày dài mệt mỏi mưu sinh. Vợ chồng anh Đào Minh Sơn (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) mới lập gia đình được ba năm, có hai con nhỏ và hiện đều làm việc tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Công việc tại siêu thị khá bận rộn, thường xuyên phải đi sớm về muộn, vợ chồng anh Sơn lại ở riêng, không có ông bà nội ngoại đỡ đần nên ban đầu gặp nhiều khó khăn do chưa thể cân đối được thời gian cho việc nhà và công việc riêng. Để việc nhà không còn là gánh nặng, vợ chồng anh phân chia và sắp xếp thời gian khoa học hơn, học thêm nhiều công thức chế biến các món ăn trên cùng một nhóm thực phẩm, cùng nhau vào bếp để các bữa ăn trở nên nhanh gọn, phong phú hơn. Từ đó, vợ chồng anh Sơn luôn có nhiều thời gian quây quần bên mâm cơm gia đình sau một ngày làm việc.

Vợ chồng anh Đào Minh Sơn (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) trong một chương trình nấu ăn.

Trong bữa ăn, vợ chồng anh Sơn trò chuyện, chia sẻ với nhau sau một ngày làm việc, tạo không khí gia đình hòa thuận, ấm áp đầy tình yêu thương. Tại đây, anh Sơn không trách mắng con cái hay phân trần những điều không hay mà còn dạy cho hai con cách nhường nhịn, hiếu thảo, sẻ chia đối với người thân và những người xung quanh. Nhờ những bữa cơm gắn kết đó mà không khí gia đình anh Sơn luôn vui vẻ, công việc cũng bớt áp lực. Gia đình trở thành điểm tựa, là động lực giúp anh Sơn thêm nỗ lực để các thành viên trong nhà có một cuộc sống tốt hơn.

Cuộc sống hiện đại, không ít cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc duy trì bữa cơm nhà. Chưa kể, những bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên càng trở nên hiếm hoi. Thế nhưng đối với gia đình chị Hồ Thị Kim Uy (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), bữa cơm nhà lại trở thành thói quen không thể thiếu. Theo chị Kim Uy, bữa ăn gia đình không chỉ để ăn, cũng không cần phải là cao lương mĩ vị mà còn là giá trị tinh thần, sự thấu hiểu nết ăn, nết ở của từng người. Đó cũng là bí quyết để chị Kim Uy gìn giữ hạnh phúc gia đình. Các món ăn trong mỗi bữa cơm của gia đình chị đều đơn giản nhưng luôn đủ ba món là canh, món xào và một món mặn. Thực đơn được chị dựa trên sở thích, khẩu vị của từng thành viên trong gia đình, và được thay đổi liên tục mỗi ngày. Đồng thời, tạo cho các thành viên trong gia đình thói quen ăn uống khoa học, hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas…

“Bí quyết” giữ lửa hạnh phúc của chị Hồ Thị Kim Uy (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) là duy trì những bữa cơm gia đình.

Gia đình chị Kim Uy có năm người, chị hiện là nội trợ, chăm sóc ba con nhỏ, vun vén, chu toàn việc nhà để chồng chị yên tâm làm việc. Chị Kim Uy chia sẻ, chồng chị công tác tại Sở Tư pháp, công việc khá bận rộn nhưng không vì vậy mà anh lẩn tránh hay xem việc nhà là của vợ. Thấy vợ chăm sóc ba con vất vả nên những năm qua, chồng chị luôn “giành” việc nấu ăn cho cả gia đình. Ban đầu trong việc nấu ăn anh còn khá vụng về nhưng nhờ được chị Kim Uy hướng dẫn nên bữa cơm gia đình ngày càng hoàn thiện hơn. Còn riêng chị cũng không bao giờ coi việc nấu ăn là trách nhiệm của chồng, mà luôn giúp đỡ, hay vào bếp trổ tài nấu những món ăn mới cho cả gia đình vào dịp cuối tuần.

Một trong những truyền thống đẹp của gia đình Việt Nam là cùng ăn cơm chung. Bữa cơm gia đình quan trọng không phải có nhiều món ăn ngon mà là ở không khí đầm ấm, tuy có khi chỉ là những món ăn dân dã nhưng đầy đủ mọi thành viên trong gia đình vẫn là bữa ăn hạnh phúc nhất.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.