Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vươn lên của đôi vợ chồng nghèo

08:20, 14/06/2022

Nhìn ngôi nhà khang trang thuộc loại nhất, nhì buôn Cư Phiăng (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông), ít ai biết rằng để có được cơ ngơi khang trang như ngày nay, vợ chồng chị H’Bluôn Êban (thường gọi Amí Diên) đã phải nỗ lực rất nhiều.   

      

Gia cảnh khó khăn, khi chị H’Bluôn Êban gặp chồng mình bây giờ là anh Ai Trang (dân tộc Vân Kiều, ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) không có điều kiện “bắt chồng” theo phong tục của người Êđê nên chị phải ở làm dâu bên chồng 4 năm. Hằng ngày vợ chồng chị mưu sinh bằng công việc làm thuê, cuốc mướn. Khó khăn chồng chất khi anh chị sinh con, chị bàn với chồng trở lại buôn Cư Phiăng lập nghiệp…

Trở về buôn với đôi bàn tay trắng, không có đất đai, vườn tược, vợ chồng chị được buôn trưởng cho dựng tạm một cái chòi ở cuối buôn. Để trang trải cuộc sống gia đình, hằng ngày anh Ai Trang đi làm thuê đủ mọi việc, từ công việc bốc vác nặng nhọc cho đến phơi nông sản; chị H’Bluôn thì đan mũ len và dệt những chiếc dây băng thổ cẩm có chữ theo yêu cầu của khách hàng, kết hợp với mua áo quần đưa đến bán ở các buôn làng xa xôi. Tuy nghèo nhưng vợ chồng chị vẫn tiết kiệm, dành dụm nuôi cả 5 người con học hết THPT.

 

Cách đây 6 năm, gia đình chị H’Bluôn được vay 65 triệu đồng để khai hoang 2 ha đất và mua sắm phương tiện sản xuất. Song do địa thế đất đồi, thường xuyên bị hạn hán nên thu nhập không đáng kể, số tiền lãi ngân hàng hằng tháng cũng không có để trả đúng định kỳ…

Vợ chồng chị vẫn phải tiếp tục đi làm thuê để có tiền trang trải chi phí. Năm 2017, được tư vấn giới thiệu việc làm, vợ chồng chị đã đăng ký đi làm công nhân cho một công ty ở Long An, việc nương rẫy ở nhà giao cho con cái đảm nhận.

Với bản tính siêng năng, vợ chồng chị thường xuyên nhận làm tăng ca; mỗi tháng sau khi trừ chi phí ăn uống, thuê nhà trọ còn tiết kiệm được 16 triệu đồng. Dần dần, tiền tích lũy từ lương công nhân và thu nhập từ nương rẫy ở nhà, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá 700 triệu đồng, mua sắm được nhiều đồ dùng và trả nợ tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi trên 80  triệu đồng.

Sau 25 năm là hộ nghèo, nhờ những nỗ lực, kiên trì không mệt mỏi, giờ đây gia đình chị H’Bluôn đã vươn lên hộ khá trong buôn. Tấm gương cần cù, vượt khó của vợ chồng chị được nhiều người dân buôn Cư Phiăng nể phục, noi theo…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.