Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh:
Chủ động kết nối việc làm cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh (thuộc Sở LĐ - TBXH) đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là từ khi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến số lao động mất việc làm gia tăng.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động
Nhằm thích ứng với tình hình thực tế, Trung tâm DVVL tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, nhu cầu tuyển dụng, tìm kiếm việc làm thông qua website, facebook, zalo đến người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm DVVL tỉnh đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp và các chế độ chính sách cho 19.000 lượt người, đạt 86,4% kế hoạch năm, trong đó giới thiệu việc làm cho 4.620 lượt người. Kết quả 1.560 người có việc làm, đạt 66% kế hoạch năm. Đối với công tác xuất khẩu lao động, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, Trung tâm chủ động tư vấn cho 2.067 lao động, qua đó giới thiệu 105 lao động tham gia sơ tuyển tại các công ty và đã có 24 người xuất khẩu lao động.
Tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: Gia Lê |
Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết, công tác xuất khẩu lao động có những tín hiệu lạc quan, ngoài nguyên nhân khách quan, các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống đã mở cửa lại đón lao động Việt Nam nhập cảnh, Trung tâm đã cùng với các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng đưa người đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài áp dụng hình thức đào tạo, phỏng vấn đơn hàng mới theo quy trình 3-ON (khai hồ sơ online, phỏng vấn online và đào tạo online) bước đầu đạt hiệu quả, giúp người lao động vừa tham gia chương trình xuất khẩu lao động, vừa có thể phụ giúp gia đình.
Để tạo thuận lợi cho người lao động, Trung tâm DVVL tỉnh còn chủ động, linh hoạt trong công tác tư vấn việc làm, nghề nghiệp. Thay vì chỉ tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 15 hằng tháng tại Trung tâm DVVL tỉnh, hoặc tổ chức phiên việc làm lưu động đến trung tâm huyện, thị xã, thành phố, thì nay Trung tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm tại các xã, thôn, buôn. Việc tổ chức không đặt nặng vào số lượng người tham gia mà chú trọng vào chất lượng (tức là số lao động đến tham gia phiên phải thực sự có nhu cầu tìm kiếm việc làm) và thời gian tổ chức phiên giao dịch việc làm cũng được điều chỉnh phù hợp, có thể tổ chức vào ban đêm, vào thứ 7, chủ nhật…
Ngoài ra, Trung tâm còn cử nhân viên đến tận nhà của người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm để tư vấn, cung cấp thông tin, kết nối cung cầu lao động. Sự thay đổi này nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động, đặc biệt giúp người lao động tránh được việc bị sập bẫy "cò" lao động, hoặc bị lừa lao động, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những công ty tư vấn, giới thiệu việc làm tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật thì vẫn còn một số đơn vị tư vấn, tuyển dụng lao động thực hiện chưa tốt, chưa đúng quy định của pháp luật. Đơn cử như: cung cấp thông tin về mức chi phí, thị trường, đơn hàng lao động thiếu minh bạch cho người lao động. Có đơn vị còn lấy danh nghĩa là nhân viên Trung tâm DVVL để tư vấn, tuyển dụng lao động; yêu cầu người lao động đóng một khoản phí (tiền cọc), giữ giấy tờ, bằng cấp (gốc) của người lao động mặc dù người lao động chưa trúng tuyển đơn hàng…, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kết nối cung cầu lao động, làm mất niềm tin của người lao động đối với Trung tâm DVVL và những đơn vị khác.
Thích ứng với điều kiện mới
Hiện nay, một số công ty, doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động là đối tác chiến lược của Trung tâm DVVL tỉnh đã thành lập văn phòng tại tỉnh. Điều này đem lại "lợi ích kép" cho doanh nghiệp và cả người lao động.
Về phía doanh nghiệp được gặp gỡ trực tiếp người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để tư vấn kỹ các thông tin liên quan như mức phí, đơn hàng của đơn vị mình, thay vì tham gia các phiên giao dịch việc làm định kỳ hay lưu động với chi phí khá tốn kém.
Đối với một số đơn hàng gấp, doanh nghiệp có thể dạy tiếng cho lao động ngay tại văn phòng để tham gia phỏng vấn thay vì phải di chuyển về các thành phố lớn. Như vậy, người lao động cũng sẽ tiết kiệm được chi phí, và thông tin tuyển dụng cũng được tiếp nhận rõ ràng, minh bạch.
Vì tất cả công ty, đơn vị tuyển dụng lao động hợp tác với Trung tâm DVVL tỉnh đều đã được đơn vị thẩm định về tư cách pháp nhân cũng như ký cam kết về các thông tin tuyển dụng lao động. Mặt khác, việc các công ty, đơn vị thành lập văn phòng, chi nhánh tại Đắk Lắk đã khẳng định niềm tin đối với người lao động.
Anh Thiệu Huỳnh Ngọc Đồng, chuyên viên tư vấn Công ty TNHH MTV Texgamex-VN đang tư vấn cho lao động Đắk Lắk. Ảnh: Gia Lê |
Anh Thiệu Huỳnh Ngọc Đồng, chuyên viên tư vấn của Công ty TNHH MTV Texgamex-VN cho biết, đơn vị là đối tác chiến lược hơn 10 năm của Trung tâm DVVL tỉnh. Hằng năm, Công ty phối hợp với Trung tâm đưa khoảng 25-30 lao động của địa phương sang Nhật làm việc. Đơn vị nhận định, hiện tại nhu cầu đi xuất khẩu lao động sang Nhật của lao động Đắk Lắk khá dồi dào. Trung tâm DVVL tỉnh đã tạo điều kiện cho công ty phỏng vấn lao động ngay tại Trung tâm bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến để tuyển dụng lao động sang Nhật làm việc.
Không chỉ tạo điều kiện cho các công ty, đơn vị cùng tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động, gần đây Trung tâm DVVL tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp dạy tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tại tỉnh cho lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.
Đơn cử, sáng 7/7, Trung tâm DVVL tỉnh phối hợp với Trường Trung cấp Công nghệ - Y khoa Trung ương khai giảng lớp sơ cấp tiếng Trung Quốc và lớp chăm sóc sắc đẹp năm 2022 cho gần 80 người lao động đang hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là lớp đào tạo trình độ sơ cấp tiếng Trung Quốc đầu tiên do Trung tâm DVVL tỉnh phối hợp tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, vào tháng 3/2022, Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế tại Đắk Lắk đã tổ chức lớp dạy tiếng Nhật đầu tiên với 9 học viên sau hai năm không thể tổ chức do dịch bệnh COVID-19. Đây là những lao động đã trúng tuyển đơn hàng sang Nhật làm việc, hiện đang học tiếng Nhật. Hằng tháng, Công ty tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Nhật của các học viên để sau 3-6 tháng sẽ sang Nhật làm việc.
Học viên học tiếng Nhật tại Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế tại Đắk Lắk. Ảnh: Gia Lê |
Anh Vương Đắc Khánh, Phó Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần thương mại và hợp tác nhân lực TQC quốc tế tại Đắk Lắk cho hay, sau dịch bệnh COVID-19 đơn vị đã thích ứng với điều kiện mới khi quyết định tổ chức lớp dạy tiếng Nhật tại tỉnh, tạo thuận lợi cho người lao động. Thứ nhất là tiết kiệm chi phí đi lại về thăm gia đình. Thứ hai chi phí sinh hoạt ở Đắk Lắk cũng "dễ thở" hơn. Quan trọng hơn, học viên và thân nhân học viên an tâm hơn khi học tập tại địa phương thay vì phải đến một nơi xa lạ.
Anh Khánh chia sẻ, ban đầu một số học viên cũng ngần ngại, không muốn học tại tỉnh, nhưng sau khi được tư vấn, phân tích kỹ, các học viên vui vẻ học tập tại Đắk Lắk. Đơn cử như học viên Hoàng Trọng Thức (SN 2004, ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng), khi chưa đậu đơn hàng sang Nhật, nhất định phải về TP. Hồ Chí Minh học tiếng Nhật nhưng khi đỗ đơn hàng, được nhân viên Văn phòng đại diện phân tích, với hoàn cảnh, mẹ mất do tai nạn giao thông, ở với bố và bà thì việc học tại TP. Buôn Ma Thuột sẽ thuận lợi khi cuối tuần về thăm gia đình, lại tiết kiệm chi phí đi lại, Thức đồng ý. Hiện là một trong những học viên chăm học, năng động của lớp. Và nhiều học viên khác cũng xác định động cơ, tâm thế học tập để được sang Nhật trong thời gian sớm nhất.
Hoàng Lê
Ý kiến bạn đọc