Multimedia Đọc Báo in

Xoa dịu nỗi đau da cam

08:03, 10/08/2022

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau để lại vẫn còn dai dẳng, nhất là với những người mang trong mình di chứng chất độc da cam/dioxin. Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam chính là sự quan tâm sẻ chia, hỗ trợ thiết thực của toàn xã hội.

Vượt qua nghịch cảnh

Trong số cán bộ đang công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC/dioxin) trên địa bàn tỉnh, có không ít người là nạn nhân chất độc da cam, đang chống chọi với bệnh tật. Dẫu vậy, họ đã vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực cống hiến với mong muốn giúp những người cùng cảnh ngộ vơi bớt nỗi đau.

Chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Ngô Hồng Phái (SN 1949), Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk vào một ngày đầu tháng 8, đúng lúc ông vừa xuất viện trở về sau một cơn tai biến. Mang trong mình di chứng của chất độc hóa học, ông đã trải qua nỗi đau thể xác dày vò và bao lần nằm viện. Năm 1972, ông Phái lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường. Sau ngày đất nước giải phóng, ông lập gia đình, những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm trôi đi, thế nhưng nỗi đau bắt đầu ập đến khi lần lượt 3 người con của ông sinh ra bỗng có những biểu hiện khác thường, hay lên cơn co giật, không vận động được chân tay, mọi sinh hoạt đều cần người giúp đỡ. Khi đi giám định, bác sĩ kết luận các cháu bị dị dạng, dị tật do di chứng chất độc da cam từ bố.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao xe lăn tặng gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Krông Búk. Ảnh do Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cung cấp

Ông Phái trải lòng: “Trong số 3 người con bị ảnh hưởng chất độc hóa học, hiện một cháu đã qua đời vì bệnh tật, hai cháu còn lại thì thường xuyên phải đi viện, có những lần nằm viện cả mấy tháng trời. Chứng kiến các con bị nỗi đau thể xác hành hạ, tôi thực sự không cầm được nước mắt”. Thấu hiểu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của những người cùng cảnh ngộ, năm 2010, ông tham gia công tác Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk, tích cực vận động nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân.

Tận tụy với với việc chung, nhiều năm qua, những cán bộ Hội như ông Phái coi công việc là một liều thuốc tinh thần để làm vơi bớt những nỗi đau mà cơ thể đang gánh chịu. Ông Phạm Quyết Thắng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TP. Buôn Ma Thuột cũng bị nhiễm chất độc da cam sau khi trải qua những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt. Mang trong mình nhiều vết thương, bệnh tật dày vò, ông Thắng vẫn luôn giữ một ý chí và tinh thần lạc quan để sống và cống hiến. Tham gia công tác xã hội từ năm 1991, đến năm 2015, ông được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin TP. Buôn Ma Thuột. Ông luôn đau đáu nỗi niềm khi đến nay có nhiều nạn nhân chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng vẫn đang vô vọng chống chọi với nỗi đau...

Chung tay xoa dịu nỗi đau

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 4.976 đối tượng phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 3.419 người thuộc thế hệ thứ nhất, còn lại là thế thế hệ thứ hai, thứ ba, thậm chí có cả thế hệ thứ tư; trong đó có 1.477 đối tượng đang được thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Theo ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và hoạt động thiết thực, ý nghĩa để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nắm rõ số lượng nạn nhân để có kế hoạch chăm sóc, giúp đỡ kịp thời. Trong đó tập trung vào các nội dung như: hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà Tình nghĩa, trợ cấp khám chữa bệnh, thăm hỏi tặng quà, tặng xe lăn... Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động được gần 1,68 tỷ đồng cho Quỹ vì NNCĐDC/dioxin.

Các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh trao quà tặng nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh do Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cung cấp

Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân thông qua các hình thức phù hợp, thiết thực. Huyện Krông Búk hiện có 246 đối tượng là NNCĐDC/dioxin, trong đó mới có 41 đối tượng được hưởng chế độ hằng tháng. Để kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, phần nào bù đắp những thiệt thòi mà nạn nhân đang gánh chịu, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Hội NNCĐDC/dioxin huyện đã tích cực kêu gọi, vận động ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân bằng nhiều hình thức. Tính từ năm 2010 đến nay, Hội đã vận động được gần 1 tỷ đồng cho Quỹ Vì NNCĐDC/dioxin; vận động hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà Tình nghĩa, sửa chữa 7 nhà, cấp 12 xe lăn, hỗ trợ 3 con bò giống cho 3 gia đình, tặng 16 sổ tiết kiệm cho NNCĐDC/dioxin trên địa bàn; mỗi năm tổ chức 4 đợt tặng quà vào các dịp lễ, Tết. Từ năm 2017, Hội NNCĐDC/dioxin huyện Krông Búk cũng đã vận động và ký kết phối hợp với chùa Bảo Minh (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức tặng quà hằng năm từ 1 - 2 đợt cho các NNCĐDC/dioxin trên địa bàn huyện, với kinh phí khoảng trên 100 triệu đồng/năm.

TP. Buôn Ma Thuột là địa phương có nhiều NNCĐDC/dioxin nhất tỉnh, với 506 người, trong đó nạn nhân trực tiếp là 392 người, nạn nhân gián tiếp 114 người. Hằng năm, Hội NNCĐDC/dioxin thành phố có kế hoạch triển khai đến các xã, phường, đồng thời chủ động ký kết phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ thành phố chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; cùng chính quyền tổ chức vận động giúp đỡ nạn nhân đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Hội đã vận động tiếp nhận trao tặng quà, tiền mặt cho các nạn nhân với tổng trị giá gần 400 triệu đồng.

Có thể thấy, sự chung tay của cộng đồng, xã hội đã góp phần xoa dịu nỗi đau, làm vơi bớt những thiệt thòi, bất hạnh mà các NNCĐDC/dioxin đang phải gánh chịu. Thông qua các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ cùng với sự nỗ lực, vượt khó vươn lên, cuộc sống của gia đình các nạn nhân dần được cải thiện.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.