Nâng cao ý thức xây dựng lối sống văn hóa, văn minh
Để xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được cấp ủy, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột tích cực triển khai là xây dựng những khu đô thị xanh, hiện đại, bền vững và gắn liền với bản sắc văn hóa địa phương.
Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy, một bộ phận dân cư của thành phố vẫn chưa hình thành được ý thức tự giác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Không nói đâu xa, chỉ cần dạo quanh quảng trường 10/3 nằm ngay trung tâm TP. Buôn Ma Thuột sẽ phần nào thấy được sự hạn chế của người dân trong việc giữ gìn môi trường, không gian xanh công cộng.
Với không gian thoáng đãng, rộng rãi, quảng trường 10/3 là nơi hằng ngày tập trung đông đúc người dân đến đây hóng mát, tập thể dục và vui chơi. Thế nhưng, sau khi vui chơi, ăn uống thì cái mà người dân để lại nhiều nhất là đủ loại rác thải. Nhất là mỗi khi tại quảng trường tổ chức sự kiện gì tập trung đông người thì lượng rác ứ đọng rất nhiều, khiến công nhân môi trường rất vất vả dọn dẹp.
Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hữu Nguyên |
Ở đây, không phải là “vơ đũa cả nắm”, nhưng thực tế một bộ phận dân cư, thậm chí có cả cán bộ, đảng viên vẫn còn vô cảm, thờ ơ với cuộc sống xung quanh. Tại một cuộc họp chi bộ tổ dân phố dịp giữa năm dành cho các đảng viên đang công tác mới đây, sau khi thông báo tình hình mọi mặt của địa phương trong thời gian qua, bí thư chi bộ và tổ trưởng tổ dân phố đề nghị các đảng viên phát huy vai trò trong việc vận động nhân dân nơi mình ở chung sức giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác, đổ nước bừa bãi ra đường phố, ngõ xóm, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng tổ dân phố văn minh, văn hóa. Tuy nhiên, ngay sau đó có một đảng viên là cán bộ đương chức của một huyện đã phát biểu ý kiến với những lời lẽ rất chối tai. Vị này cho rằng, không việc gì phải kêu gọi, vận động, cứ kệ như vậy, rác thải nhiều, nước chảy tràn lan ra đường thì người dân phải gánh chịu hậu quả, nếu không biết tự dọn dẹp. An ninh trật tự cũng vậy, nhà nào nhà nấy phải lo tường cao, cửa kín, tự bảo vệ tài sản của mình, không hơi nào mà vận động. Vị này còn nêu ví dụ, kiểu như tình trạng phá rừng lâu nay, phá hết rừng thì thôi, chẳng còn gì để mà phá nữa, vì có ra sức kêu gọi, bảo vệ mà rừng vẫn bị mất hằng ngày đó thôi. Thậm chí vị này còn cao hứng giảng giải một hồi và khẳng định: “Tôi có tư duy hơi cực đoan vậy đó. Theo tôi, mọi người cứ sống theo kiểu “măckêno” (mặc kệ nó) cho khỏe. Chúng ta chẳng việc gì phải lo kêu gọi, vận động hoài cho mệt xác mà chẳng có kết quả gì”.
Điều đáng mừng là hầu hết các đảng viên có mặt tại cuộc họp hôm đó chẳng ai tỏ thái độ đồng tình, a dua theo kiểu suy nghĩ cực đoan đó. Mỗi người mỗi ý kiến, ai nấy đều muốn đóng góp một phần công sức cùng với chi bộ, ban tự quản tổ dân phố kêu gọi, vận động người dân ra sức xây dựng địa phương văn minh, sạch đẹp. Có những ý kiến đóng góp rất hay, sát thực tế, ví dụ như cần vận động nhà nào có trụ điện đứng trước mặt nhà thì có trách nhiệm giữ gìn sạch sẽ, không cho dán quảng cáo, rao vặt lung tung, hoặc nếu thấy dán thì tự giác bóc gỡ đi.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử người Đắk Lắk văn minh - thân thiện - mến khách” gồm 4 phần: Quy tắc ứng xử trong cộng đồng dân cư; Quy tắc ứng xử trên không gian mạng: Quy tắc ứng xử tại trường học, cơ sở tôn giáo; Quy tắc ứng xử tại nơi công cộng. Đây là những quy tắc mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh, thân thiện, mến khách của người dân Đắk Lắk. Để bộ quy tắc này sớm đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền là điều hết sức quan trọng, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về ứng xử, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hình thành lối sống văn hóa, văn minh, nghĩa tình.
Tường Mạnh
Ý kiến bạn đọc