Multimedia Đọc Báo in

Cần chấn chỉnh kịp thời tình trạng “cò đất” gây nhiễu thông tin hoạt động đấu giá

08:29, 11/10/2022

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột xuất hiện tình trạng một số “cò đất” gây nhiễu thông tin tại các dự án đấu giá, làm ảnh hưởng hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất của địa phương.

Chi chít số điện thoại trên lòng, lề đường dự án đấu giá

Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất để đấu giá tại phường Thành Nhất và phường Tân Lập, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, Dự án hạ tầng giao thông khu dân cư tổ liên gia 35, tổ dân phố 4, phường Thành Nhất, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án gồm 13 trục đường, với tổng chiều dài hơn 3.640 m, chỉ giới đường đỏ trục nhỏ nhất là 14 m, rộng nhất là 20 m. Tổng mức đầu tư của dự án trên 212,8 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Phát triển đất tỉnh.

Dự án được chia thành 693 thửa đất nền, đến đầu tháng 10/2022 đã hoàn thiện hạ tầng đối với 78 thửa và đã được UBND tỉnh phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất đối với 78 thửa đất này tại Quyết định số 1621/QĐ-UBND ngày 25/7/2022. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đã hoàn thiện các thủ tục cắm mốc phân lô, nghiệm thu và trích lục 78 thửa đất chuyển cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh.

Ngày 19/8/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt giá khởi điểm với tổng giá khởi điểm gần 189,5 tỷ đồng. Điều đáng nói, trước thời điểm công bố giá của 78 thửa đất nói trên đã xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân (tự xưng là nhân viên các công ty kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố) dùng sơn xịt số điện thoại lên lòng đường, bó vỉa hè… làm ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá của chính quyền địa phương.

Bảng pano về giá, thông tin thửa đất được đặt tại khu đất Dự án hạ tầng giao thông khu dân cư tổ liên gia 35, tổ dân phố 4, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột).

Ghi nhận của phóng viên vào sáng 6/10/2022, tại các trục đường thuộc Dự án này vẫn chi chít số điện thoại, với đủ màu sắc. Đặc biệt, trong khu vực này còn xuất hiện một bảng hiệu của Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Hoàng Việt có nội dung: “Chuyên môi giới và nhận ký gửi nhà đất phố; Tư vấn đầu tư bất động sản, chuyên đất đấu giá tái định cư (đấu giá Thủ Khoa Huân); Thẩm định giá và hướng dẫn pháp lý nhà phố; Cho thuê mặt bằng nhà phố Buôn Ma Thuột” và đính kèm theo thông tin về số điện thoại liên hệ, địa chỉ công ty. Tuy nhiên, qua trao đổi với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, công ty trên không phải là đơn vị có thẩm quyền về đấu giá các thửa đất thuộc Dự án Hạ tầng giao thông khu dân cư tổ liên gia 35, tổ dân phố 4, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột).

Tại Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư tổ dân phố 4, phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) do Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk làm chủ đầu tư cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dự án có tổng diện tích hơn 1,5 ha, hiện đã hoàn thiện hạ tầng và đưa vào đấu giá 124 thửa đất. Trong phiên đấu giá lần 1 đã đấu giá thành công đối với 51 thửa.

Sau khi đấu giá 51 thửa đất này, xuất hiện tình trạng “cò đất” sơn xịt số điện thoại trên tài sản của Nhà nước, làm mất mỹ quan đô thị. Hầu hết bó vỉa hè đều chi chít số điện thoại, cành cây, trụ điện cũng trở thành nơi để gắn, dán số điện thoại liên hệ mua, bán đất. Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk có 38 số điện thoại đã được các tổ chức, cá nhân sơn, xịt và dán tại hai khu đất đấu giá thuộc hai dự án nêu trên.

Giao phường, xã kiểm tra, xử lý

Ngày 22/9/2022 Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk đã có Công văn số 307/TTPTQĐĐL-QLPTQĐ về việc phối hợp xử lý các tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Trung tâm đã đề nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột chỉ đạo phòng, ban chuyên môn, Công an thành phố và UBND các xã, phường phối hợp kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng nói trên. Sau khi nhận được công văn của Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo tất cả địa phương có dự án đấu giá quyền sử dụng đất kiểm tra tình hình thực tế, báo cáo, tham mưu lãnh đạo thành phố hướng xử lý.

Bảng rao bán đất gắn tại cây xanh khu vực Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư tổ dân phố 4, phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột).

Phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất Phan Thanh Tuấn cho hay, qua nắm bắt thông tin về tình trạng người môi giới bất động sản tập trung đông người ở khu đất đấu giá thuộc tổ dân phố 4, địa phương đã phân công lực lượng trật tự, quản lý đô thị và cán bộ chuyên môn của phường đến kiểm tra thực tế, yêu cầu chấm dứt việc tập trung đông người. Còn các số điện thoại sơn xịt trên lòng đường, bó vỉa hè, địa phương sẽ cho kiểm tra và có biện pháp xử lý phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo với UBND thành phố.

Ông Nguyễn Đình Sáng, chuyên viên Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk cho biết, việc tổ chức, cá nhân tự ý sơn xịt số điện thoại lên lòng đường, bó vỉa hè… là hành động xâm phạm vào tài sản Nhà nước, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, tình trạng này làm ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá và mọi công dân quan tâm đến hoạt động này, Trung tâm khuyến cáo mọi người dân không nên tin vào các thông tin trôi nổi, nên tham khảo giá đất ở các pa nô được dựng ở các dự án đấu giá, các văn bản, thông báo về phiên đấu giá. Nếu có nhu cầu thực sự, công dân cần tìm hiểu và tham gia lành mạnh vào các phiên đấu giá do cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện để nắm rõ thông tin chi tiết giá cả và quy hoạch sử dụng đất.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.