Công dân số - yếu tố trọng tâm trong hành trình chuyển đổi số
Thời gian qua, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang được thụ hưởng những lợi ích thiết thực từ việc chuyển đổi số; trong đó có việc tiếp cận nhanh chóng, bình đẳng với tất cả các dịch vụ xã hội, tạo dựng môi trường sống hiện đại và văn minh.
Từng bước hình thành “công dân số”
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, công nghệ số, các ứng dụng và nền tảng số đã gần như hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Minh chứng rõ nét nhất là các dịch vụ hành chính, tiêu dùng dường như đều diễn ra trên không gian mạng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người dân lẫn các đơn vị hành chính. Đặc biệt, người dân đã thấy rõ hơn giá trị, lợi ích của chuyển đổi số và bước đầu thích ứng, đưa vào sử dụng.
Đại biểu tìm hiểu ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt của Viettel Money tại Ngày hội Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2022. |
Chị Nguyễn Thị Thanh (thị xã Buôn Hồ) cho hay, chị thường xuyên thực hiện các thủ tục hành chính bằng dịch vụ công trực tuyến mà không gặp nhiều khó khăn. Điều này không chỉ giúp chị tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi mà tiện lợi hơn là dù đang ở đâu nhưng chỉ cần có tài khoản, một chiếc điện thoại thông minh và mạng Internet đều có thể thao tác dễ dàng… Chị Phan Thị Nguyên (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) dù không am hiểu nhiều về công nghệ thông tin nhưng vẫn có thể giao lưu, mua bán hàng hóa qua mạng xã hội. Nhờ đó, việc bán hàng onlnie đã giúp gia đình chị có nguồn thu nhập để trang trải thêm cho cuộc sống...
Để đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố. Với hình thức đi từng nhà, hướng dẫn từng người, những tổ công nghệ số cộng đồng đã trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; hướng dẫn các nội dung cơ bản về an toàn, an ninh thông tin; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội... Qua đó, tạo lập hành vi, thói quen, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Được biết, toàn tỉnh đã thành lập 1.147 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.121 thành viên để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng và toàn diện.
Chuyển đổi số đồng bộ
Theo ông Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, mạng xã hội Facebook, tin nhắn đến các số điện thoại di động, mạng Zalo. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã về chuyển đổi số, kỹ năng số và công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước trên các hệ thống thông tin của tỉnh.
Một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu sầu riêng. |
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số của tỉnh Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả toàn diện thể hiện trên cả 3 trụ cột “Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số”. Trong đó, về chính quyền số, đến nay hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iDesk) được triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; 100% các cơ quan, đơn vị có hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên thông đã thực hiện gửi - nhận văn bản điện tử có chữ ký số. Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh tỉnh đã triển khai các dịch vụ như: Dịch vụ giám sát Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; dịch vụ giám sát, điều hành kinh tế - xã hội; dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát camera an ninh trật tự và điều hành giao thông... Đây là dấu mốc quan trọng trong xây dựng mô hình chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hướng tới chính quyền số của tỉnh Đắk Lắk.
Về kinh tế số tập trung vào nông nghiệp số, năng lượng, logistics và môi trường, bước đầu đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có gần 107 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp đã thu thập được thông tin số hóa dữ liệu; trên 106 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp được đưa thông tin lên sàn và đã có 5.851 sản phẩm được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Trong phát triển xã hội số, đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ người dân sử dụng mạng Internet là trên 60%; tỷ lệ dân số có smartphone là 57,07%. Tỷ lệ người dân 15 tuổi trở lên có smartphone là 72%. Người từ 15 tuổi trở lên có hơn 1,9 triệu tài khoản giao dịch đang hoạt động tại ngân hàng (một người có thể mở tài khoản tại các ngân hàng khác nhau). Số lượt khám chữa bệnh thành công bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 9 nghìn lượt trên tổng số 16,4 nghìn lượt tra cứu dữ liệu CCCD tại các cơ sở khám chữa bệnh…
“Chủ đề Ngày chuyển đổi số năm 2022 của Đắk Lắk là hướng đến công dân số, điều này cho thấy địa phương đã đặt đúng trọng tâm bởi xã hội số được hình thành, phát triển từ những công dân số. Trong thời đại công nghiệp 4.0, công dân số được xem là yếu tố nền tảng đối với sự phát triển xã hội số; đồng thời quyết định sự thành công của hành trình chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số” - ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông). |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc