Multimedia Đọc Báo in

Những hy sinh thầm lặng của điều dưỡng

08:49, 09/10/2022

Trong các cơ sở khám chữa bệnh, bên cạnh bác sĩ điều trị, điều dưỡng là người chăm sóc toàn diện về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh từ lúc người bệnh nhập viện cho tới khi khỏe mạnh và xuất viện. Sự tận tâm và những hy sinh thầm lặng của các điều dưỡng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị.

Nếu như trước đây điều dưỡng đơn thuần chỉ là người phụ giúp và thực hiện y lệnh của bác sĩ thì hiện nay nhiệm vụ của điều dưỡng ngày càng quan trọng bởi ngoài thời gian các bác sĩ khám bệnh, kê đơn điều trị, hầu hết thời gian còn lại, điều dưỡng là người tiếp xúc chính với người bệnh, chăm sóc, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh. Có thể nói, chất lượng của một cơ sở y tế phụ thuộc nhiều vào thái độ, sự chuyên nghiệp và tận tụy của chính những người điều dưỡng.

Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) trung bình mỗi ngày tiếp nhận, điều trị cho khoảng gần 200 bệnh nhân. Đa số bệnh nhân là những ca bệnh nặng, nhiều trường hợp sức khỏe đang trong tình trạng “thập tử nhất sinh”…

Bởi vậy, tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân và người thân luôn gấp gáp, hối thúc, đòi hỏi các điều dưỡng phải nhanh nhẹn, linh hoạt trong ứng xử, giao tiếp, đặc biệt là sự tỉnh táo trong xử lý các vấn đề ban đầu để tránh khúc mắc không đáng có.

Chia sẻ về công việc của mình, điều dưỡng Tống Thị Thu Phượng (khoa Cấp cứu) trải lòng: “Chúng tôi luôn phải làm việc hết công suất bởi khi bệnh nhân nặng nhập viện, điều dưỡng là người tiếp nhận đầu tiên, trực tiếp hỗ trợ khám, tiêm truyền, xử lý các tình huống cấp cứu khẩn cấp, theo dõi bệnh nhân 24/24 giờ để xử lý kịp thời.

Đồng thời còn phối hợp nhịp nhàng với bác sĩ, thực hiện đúng y lệnh để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân một cách tốt nhất. Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân là người vô gia cư hay không có thân nhân, ngoài chăm sóc về y tế, điều dưỡng còn phải chăm sóc về ăn uống, vệ sinh và tinh thần cho bệnh nhân…

Công việc vất vả, căng thẳng là vậy, song không phải bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nào cũng thấu hiểu và sẻ chia. Có những hôm quá đông bệnh nhân, điều dưỡng chưa kịp hỗ trợ theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân thì họ có những lời nói, thái độ không đúng mực đối với cán bộ y tế. Đã có nhiều vụ ẩu đả, tấn công y, bác sĩ nên ngoài chuyên môn, điều dưỡng còn phải có sức khỏe, sự ứng xử khéo léo để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra”.

Điều dưỡng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) hỗ trợ tích cực bác sĩ trong chuyên môn. Ảnh: Quang Nhật

Khoa Hồi sức tích cực chống độc có lẽ là môi trường làm việc căng thẳng nhất của bệnh viện khi hằng ngày các điều dưỡng phải tiếp xúc với hầu hết bệnh nhân hôn mê, bệnh lý phức tạp, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng được chuyển đến từ các khoa lâm sàng trong bệnh viện hay các cơ sở y tế trên địa bàn hoặc các tỉnh lân cận. Công việc của điều dưỡng vốn đã vất vả thì khi làm việc tại đây áp lực ấy còn nhân lên gấp nhiều lần.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) tiếp nhận từ 15 - 20 bệnh nhân mới, bệnh nhân điều trị dài ngày thường từ 50 - 55 bệnh nhân. Bệnh nhân đông nên khối lượng công việc rất nhiều.

Do đặc trưng của khoa Hồi sức tích cực chống độc là người nhà không được thăm nuôi nên tất cả các công việc từ chăm sóc chuyên môn đến sức khỏe, tinh thần đều do điều dưỡng đảm nhận, như: tiêm thuốc, truyền dịch, thực hiện các thủ thuật, ghi bệnh án, làm các thủ tục nhập viện, xuất viện, chuyển viện cho bệnh nhân, đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, thay bỉm tã, xoay trở, lau người, dọn vệ sinh, gội đầu, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân…

Về nguyên tắc, điều dưỡng ở Khoa trực theo ca, kíp, liên tục 24 giờ, sau đó được nghỉ 24 giờ. Tuy nhiên, do không đủ nhân lực nên điều dưỡng ở đây phải thường xuyên làm tăng giờ, kể cả những ngày lễ, Tết. 

Vất vả, lại làm việc trong môi trường độc hại, nguy cơ nhiễm bệnh cao, rồi có những lúc bệnh nhân quá tải, áp lực, nhưng các điều dưỡng của khoa Hồi sức tích cực chống độc vẫn chăm sóc bệnh nhân một cách nhiệt tình và chu đáo, không phân biệt đối xử, luôn lấy người bệnh làm trọng tâm cứu chữa.

“Nhiều người thường ví điều dưỡng là nghề làm dâu trăm họ bởi đối tượng phục vụ chính là người bệnh và người nhà của họ. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân rất đa dạng, từ người có thu nhập cao đến thấp, từ người giàu đến nghèo, từ tính cách đến suy nghĩ, thái độ mỗi người mỗi khác. Vì vậy, để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn không phải là chuyện dễ. Do đó, làm nghề điều dưỡng, ngoài tình yêu nghề phải có kiến thức vững vàng, cầu thị, có lương tâm nghề nghiệp, biết nhẫn nại, biết lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Nếu không sẽ khó mà gắn bó với nghề”, điều dưỡng Tôn Nữ Thanh Tâm (Khoa Hồi sức tích cực chống độc) bộc bạch.

Điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) gội đầu cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Nhật

Hiện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên có hơn 700 điều dưỡng nhưng phải thường xuyên chăm sóc cho khoảng 1.600 bệnh nhân điều trị nội trú. Bệnh nhân đông, nhân lực thiếu nên đội ngũ điều dưỡng phải làm việc gấp 2 - 3 lần so với yêu cầu công việc, trong khi đó, thu nhập hiện vẫn chưa tương xứng với công việc họ đảm trách. Nhọc nhằn, áp lực là vậy nhưng với tình yêu nghề, họ chấp nhận hy sinh khoảng thời gian của riêng mình, chấp nhận những vất vả đè nặng lên vai, luôn tận tình chăm sóc người bệnh bằng cả tấm lòng.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.