Lưu giữ nghề dệt thổ cẩm qua đào tạo nghề
Những năm qua, với mong muốn lưu giữ trang phục truyền thống của người Êđê, nhiều khóa đào tạo nghề dệt thổ cẩm đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện. Việc đào tạo nghề được lồng ghép giữa lý thuyết và thực hành tại chỗ, tạo sự hấp dẫn và thu hút học viên tham gia.
Xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn tại địa phương, năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Hội Nông dân xã Cư Suê tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho 35 học viên là người dân tộc thiểu số trú tại buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. Không gian lớp học là mái nhà dài truyền thống, các khung cửi được bố trí gần nhau để mọi người có thể vừa học, vừa trao đổi kiến thức, kinh nghiệm cho nhau.
Học viên lớp dệt thổ cẩm ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar thực hiện thao tác giăng sợi trên khung. |
Đang khéo léo luồn các sợi chỉ cho công đoạn tạo hoa văn trên sản phẩm, chị H’Riết Êban - một trong những học viên tham gia khóa học chia sẻ, lúc đầu thấy ban tự quản buôn thông báo về việc đăng ký lớp học, chị cũng chần chừ bởi từ trước tới giờ chị chưa bao giờ ngồi vào khung cửi để tập tành nghề dệt. Song qua một tháng học nghề, với sự chỉ dạy tận tình của giáo viên, chị bắt đầu thấy đam mê với nghề truyền thống. Chị mong sau khóa học này, trong buôn sẽ có một tổ hợp tác tập hợp lại những người đam mê nghề dệt, từ đó chị và các học viên đã học nghề sẽ tự tạo việc làm cho mình lúc nhàn rỗi, kiếm thêm thu nhập chính đáng, góp phần vào việc duy trì, lưu giữ nghề truyền thống của người Êđê.
Ông Phạm Hồng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) cho biết, từ năm 2020 đến nay, từ nguồn kinh phí đào tạo nghề do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, Trung tâm đã mở 2 lớp dạy nghề thổ cẩm cho người dân tại xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) và xã Cư Suê (huyện Cư M’gar). |
Còn đối với bà H’Blá Niê, dù đã gần 60 tuổi nhưng khi nghe tin mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm bà vẫn xung phong đăng ký tham gia. Bà kể, trước đây bà đã từng biết dệt và theo nghề dệt, nhưng bẵng đi một thời gian, do lo việc con cái, gia đình nên bà bỏ quên khung cửi. Dù tuổi đã cao, nhưng nhờ đã biết dệt từ trước nên chỉ qua mấy ngày thực hành bà lại thành thạo các thao tác. Bà cảm thấy vui vì mỗi ngày tay nghề của mình được nâng cao hơn, các họa tiết, hoa văn trên sản phẩm mình dệt càng sắc sảo hơn.
Em H’Min Niê (SN 1995, buôn Sút M’đưng), một trong những học viên trẻ tuổi của lớp học tự hào, nơi em sinh sống là nôi văn hóa truyền thống của cộng đồng người Êđê. Em thấy việc mở khóa dạy nghề dệt thổ cẩm rất thiết thực và ý nghĩa với người dân buôn Sút M’đưng nói chung, thế hệ trẻ như em nói riêng. Qua những ngày tham gia lớp học, bản thân em thấy hiểu hơn về trang phục truyền thống của dân tộc mình, từ đó thêm yêu những bộ đồ, chiếc khăn hay chiếc túi thổ cẩm mà mình mang trong những dịp lễ trang trọng. Em mong muốn sẽ có nhiều lớp học như thế này được mở ra cho bà con trong buôn được tham gia, để thổ cẩm truyền thống mãi được lưu truyền.
Tiết thực hành dệt thổ cẩm tại nhà một hộ dân ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar. |
Theo bà Phạm Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê (huyện Cư M’gar), địa phương có 10 thôn, buôn, trong đó có 4 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hiện nay các buôn làng trên địa bàn xã còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống như nhà sàn dài, bộ khung cửi dệt thổ cẩm. Riêng buôn Sút M’đưng có khoảng 40 khung dệt, còn khoảng 10 người dệt thành thạo các sản phẩm. Tuy nhiên, những người này đa số tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt nên nếu không có thế hệ kế thừa thì nghề dệt rất dễ mai một.
Từ thực tế đó, được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm ở buôn Sút M’đưng trong năm nay, chính quyền địa phương rất mừng và ủng hộ, hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất để bà con tham gia lớp học đầy đủ.
Đồng thời địa phương cũng sẽ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân xã để giám sát việc đến lớp học của các học viên, bảo đảm kết thúc khóa học tất cả mọi người tham gia đều biết dệt những sản phẩm đơn giản nhất.
Dự định địa phương sẽ mời Hoa hậu H’Hen Niê - một người con của buôn Sút M’đưng về quê để chia sẻ các sản phẩm thổ cẩm mà học viên, nghệ nhân trong buôn làm ra, từ đó giới thiệu, quảng bá đối với thị trường trong và ngoài tỉnh. Về lâu dài sẽ thành lập một tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại buôn Sút M’đưng nhằm lưu giữ văn hóa truyền thống của người Êđê và tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập, ổn định chính trị, xã hội.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc