Say mê với sản phẩm thổ cẩm
Bằng niềm đam mê, nhiệt huyết với văn hóa truyền thống của địa phương, chị Nguyễn Thị Đượm (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã sáng tạo, cách tân thổ cẩm, tạo ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ, phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Gần 20 năm rời quê hương Hải Dương vào Đắk Lắk sinh sống và lập nghiệp, chị Đượm vẫn say sưa với công việc may, sửa quần áo cho người dân trong và ngoài buôn Akô Dhông, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình chị. Buôn Akô Dhông lại là nơi gìn giữ nhiều nét văn hóa độc đáo lâu đời của đồng bào Êđê và là điểm nhấn du lịch thu hút du khách khi đến với TP. Buôn Ma Thuột. Vì vậy, chị dần hiểu biết và có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn hóa truyền thống của bà con nơi đây. Càng am hiểu, chị càng bị thu hút bởi sản phẩm thổ cẩm được dệt thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong buôn.
Chị Nguyễn Thị Đượm giới thiệu, quảng bá sản phẩm thổ cẩm truyền thống tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2022. |
Để thỏa sức đam mê, chị tự mày mò tìm hiểu ý nghĩa hoa văn, họa tiết trên những tấm thổ cẩm và hình thành ý tưởng may quần áo truyền thống, đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân địa phương. Nghĩ là làm, chị liên kết với người dân trong buôn đặt mua những tấm thổ cẩm được dệt thủ công để may trang phục truyền thống. Sau hơn một năm nghiên cứu, chị đã làm ra nhiều sản phẩm quần, áo nam, nữ và được sự đón nhận tích cực của khách hàng. Không chỉ làm các sản phẩm thổ cẩm nguyên bản truyền thống, chị còn sáng tạo, cách tân kiểu dáng, chất liệu trang phục bằng cách sử dụng vải thun đen để thay thế những mảng đen trên trang phục Êđê, M’nông, Xơ Đăng, Cơ Ho… tạo độ thoải mái, mát mẻ cho người mặc. Hơn thế, các họa tiết, hoa văn vẫn được dệt thủ công và phối màu sắc phù hợp tạo nên những bộ váy, áo giữ được nguyên vẹn nét đẹp truyền thống, nhưng lại phù hợp với xu hướng hiện đại.
Chị Đượm chia sẻ: “Việc cách tân và sử dụng một phần vải công nghiệp thay thế trên trang phục truyền thống vẫn tôn được vẻ đẹp của người phụ nữ mà giá thành lại phù hợp, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Để có những sản phẩm cách tân độc đáo không chỉ dựa vào tay nghề thành thạo, mà người thiết kế cần phải có sự tinh tế trong việc phối hợp hài hòa về màu sắc, hoa văn. Trong đó, sản phẩm tâm đắc nhất của mình là váy cưới truyền thống, được làm rất cầu kỳ, công phu và phải may hoàn toàn bằng thổ cẩm dệt thủ công mới tạo được dáng đứng, độ xòe, trang nhã cho chiếc váy”.
Gian hàng váy, áo thổ cẩm cách tân độc đáo của chị Nguyễn Thị Đượm thu hút nhiều khách hàng tham quan, mua sắm. |
Từ năm 2019, chị Đượm đã thuê một cửa hàng nhỏ ở trung tâm buôn Akô Dhông để bán và cho thuê các sản phẩm chuyên về thổ cẩm, tạo thuận lợi cho việc giới thiệu sản phẩm địa phương đến khách du lịch. Chị kết hợp nhập bán thêm các mặt hàng đặc sản địa phương như: chuối rừng, rượu Ama Kông… làm phong phú cho gian hàng, đáp ứng nhu cầu du khách. Ngoài việc bán trực tiếp, chị còn tích cực quảng bá các sản phẩm trên Zalo, Facebook và được nhiều người đặt hàng. Nhờ đó đã mang lại cho gia đình chị thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.
Gắn bó với công việc may vá làm đẹp cho khách hàng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giúp chị Đượm thỏa niềm đam mê, sáng tạo trên mỗi sản phẩm.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc