Thương tiếng rao chiều...
Thế hệ đôi mươi vừa bước vào đời, nếu có ai hỏi âm thanh nào kịp ở lại trong lòng tôi, thì câu trả lời khắc khoải nhất là “những lời rao”. Trên con phố rộng hay ở những vùng quê yên bình, mấy lời thương nhớ ấy vẫn hiện hữu rõ nét. Cái thuở còn là chuỗi ngày đi rong giữa dòng đời rộng lớn, chúng như một âm điệu riêng biệt thẩm thấu, nuôi lớn tôi.
Trời Tây Nguyên mênh mông, ngàn nắng ngàn gió mà bao dung, sẵn sàng đón nhận, chở che người khắp mọi nơi về đây lập nghiệp, kiếm sống. Đều đặn tầm 5 giờ chiều, nơi tôi ở lại vang lên tiếng rao bánh bao, bánh giò của người miền ngoài. Tiếng rao vang lên mềm mại, được thu sẵn phát qua chiếc loa treo trước xe máy của chú bán bánh giò cất lên: “Bánh giò đây, bánh giò nóng đây”. Tiếng rao vang vọng trên các cung đường, qua ngõ xóm, vang vào từng nhà.
Từ khi tôi còn bé, tiếng rao đã xuất hiện, vang trên những nẻo đường khi màn đêm buông xuống, vang qua bao mùa mưa nắng. Tiếng rao vào chiều tối như một âm điệu quen thuộc, một điểm nhấn cuộc sống vốn bình lặng nơi tôi ở. Tiếng rao đọng lại theo thời gian, vượt qua màn sương khi trời nắng, xé màn mưa khi trời giông, vượt qua cái lạnh mùa đông hay cái oi bức của buổi chiều nồng đến với từng nhà, từng người trong ngõ. Nghe tiếng rao tôi chợt nghĩ: Tại sao họ lại chọn làm bánh và bán bánh giò vậy nhỉ? Có lẽ để duy trì cuộc sống của gia đình, tự cứu mình trong cơn khốn khó, ngặt nghèo. Có lẽ họ chọn làm bánh giò và bán bánh giò vì muốn giữ lại nghề nhà. Tôi nghĩ đến những chiếc bánh giò ú ụ, được nâng niu từ bàn tay và tấm lòng người làm bánh, được giữ sao cho ấm nóng đến khi trao vào tay người mua.
Tiếng rao đêm. Ảnh minh họa |
Tiếng rao đều đặn vang lên mỗi chiều, từ đường này sang đường khác, từ xóm này qua xóm khác cho đến chiều muộn, “Ai bánh giò đây, bánh giò nóng đây”. Mỗi chiều, tôi cùng mẹ dạo bộ trên đường. Đi để mọi buồn phiền lo âu rơi xuống những bước chân. Đi hít thở không khí trong lành để thấy mình đang sống. Cũng có lúc đi để suy nghĩ về điều gì đó mới. Nghe tiếng rao, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, chú giỏi ghê mẹ! Vợ chú chăm chỉ làm bánh, chú chăm chỉ bán bánh. Cả hai người đều say việc. Họ dựa vào nhau để sống, giữ gìn, nâng đỡ gia đình của mình để con cái họ được đủ đầy”. Mẹ tôi trả lời: “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn! Nhiều người nhà cao cửa rộng nhưng lòng trống trải, đơn côi. Nhiều người tưởng trong chăn ấm nệm êm nhưng họ luôn cãi nhau vì đồng tiền, danh lợi, nghi ngờ. Trong khi những người bán bánh giò, tuy họ vất vả nhưng họ vẫn nương tựa nhau, che chở cho nhau. Chiếc bánh tuy nhỏ nhưng nó ẩn chứa bên trong là tình nghĩa, là tấm lòng”.
Lúc này hạnh phúc thật đơn giản. Người vợ nương theo từng chiếc bánh mà nâng đỡ chồng, người chồng dựa vào chiếc bánh mà an lòng, tiến lên. Họ dựa vào nhau từng ngày để duy trì cuộc sống. Món bánh giò trở nên có ý nghĩa và tiếng rao thành âm điệu riêng biệt, đáng quý trong cuộc sống của tôi. “Bánh giò đây, bánh giò nóng đây!” tiếng rao đã thành những lời tâm sự riêng tư của mỗi người. Cất lên chút trầm mặc giữa câu hát đang ngân nga giữa đường đời, đâu đó trong một ngày rong ruổi của họ...
Hoài Thương
Ý kiến bạn đọc