Multimedia Đọc Báo in

Nơi tốt để sống!?

10:51, 18/12/2022

Tình nguyện viên người nước ngoài hôm nay ra cho chúng tôi chủ đề luyện nói, tất nhiên bằng tiếng Anh: “Hãy kể về nơi bạn sinh ra”. Mỗi người có năm phút để chuẩn bị các ý chính và trình bày trước cả lớp.

Ba người đầu tiên kể về chính thành phố này với niềm tự hào rằng nơi đây có đường sá to đẹp, những tòa nhà khang trang, siêu thị hiện đại, sạch sẽ, có bãi biển đẹp vào loại tầm cỡ quốc tế và quan trọng hơn hết đây là một nơi rất tốt để kiếm tiền và hưởng thụ.

Đến lượt mình, tôi kể quê tôi nghèo lắm, ngoài nghề nông ra, mọi người chỉ còn biết hoặc vào rừng đốn củi, đi mò cua bắt ốc hoặc trồng rau trong vườn. Nhưng quê tôi có bầu không khí rất trong sạch, có dòng sông rất hiền hòa, con đường đất với thảm cỏ xanh mịn màng chạy dọc hai bên, có những rặng tre xanh trầm mặc. Và rằng tôi rất nhớ quê, lúc nào cũng mong muốn được trở về.

Khi tôi trình bày xong, tình nguyện viên người nước ngoài ấy nhún vai nhận xét: “Vậy đó là một nơi tốt để nghỉ ngơi nhưng không tốt để sống!”

Ngã Sáu   Ban Mê. Ảnh: Hữu Nguyên
Ngã Sáu Ban Mê. Ảnh: Hữu Nguyên

Tôi lặng người đi trước câu nói của ông. Hay ông ấy biết rằng tôi đã xa quê, nhận cái thành phố này làm quê hương thứ hai của mình nên chắc chắn nơi ấy không thể là một nơi - tốt - để - sống!?

Từ ngày tôi còn là học sinh cấp một đã thấy có những chị chỉ khoảng mười ba, mười bốn tuổi bỏ học vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Những năm sau đó, các anh cũng đi hết... Quê tôi từ đó chẳng còn những đêm trăng tiếng cười nói rộn rã đường làng của những đôi nam nữ hẹn nhau đi xem phim, xem cải lương, chỉ còn lũ trẻ chúng tôi hò hét rồng rắn lên mây, kéo co, chơi trận giả. Chỉ mấy ngày xuân, khi các anh, các chị về quê ăn Tết thì ngõ dưới làng trên đều chung một cảnh những chiếc xe ôm chở một hoặc hai người với những chiếc vali đồ đạc buộc chặt, chạy vèo vèo. Đấy là đồ các anh chị mang về cho cả nhà. Nào bộ váy mới cho đứa em gái nhỏ, chiếc áo sơ mi cho ba, quần jeans của thằng cu lớn, xấp vải cho mẹ, chiếc khăn cho nội. Và cơ man là bánh kẹo. Tôi đã nhiều lần ganh tị với những đứa khác trong xóm khi nhà mình chẳng có “đồ Sài Gòn”. Ngày đó, tôi chưa hiểu vì sao hầu hết thanh niên trong làng đều phải vào Sài Gòn, cũng chưa hiểu chút nào về những cơ cực của các anh chị ấy khi làm công nhân với điều kiện sống thiếu thốn lại phải xa nhà. Thứ tôi nhìn thấy được chỉ là mớ áo quần, bánh kẹo kia thôi.

Rồi cũng đến lúc tôi là người ra đi, nhưng là đi học. Những năm sống xa nhà, nỗi nhớ quê rười rượi đã làm cho tôi thấm thía nỗi buồn, dẫu lúc đó tôi vẫn nghĩ mình sẽ trở về khi ra trường. Nhưng tôi đã không về, như nhiều người khác, tôi bám trụ lại thành phố. Không ai trách chúng tôi cả, được ở lại thành phố là một may mắn. Đó sẽ là cơ hội đổi đời không chỉ cho riêng chúng tôi mà còn là “tiền đề” để các thế hệ sau thoát khỏi cảnh làm nông vất vả. Có lần đang cuộc nhậu, người bạn hỏi tôi: “Bao giờ sẽ có cảnh người nông dân mỗi sáng cầm tờ báo đọc trước khi mang cuốc ra đồng nhỉ?”, rồi tự trả lời: “Chắc còn lâu lắm, ăn không đủ, làm sao họ dám bỏ tiền mua báo đọc”. Những cốc bia sau đó chua lè.

Còn tôi hôm nay nghe như ai vừa tạt nước lạnh vào người giữa buổi chiều mùa đông gió đang xạc xào ngoài cửa. Chị bạn cùng bàn quay sang: “Nhớ người yêu hả nhỏ?” Không biết nói với chị thế nào, tôi cười mếu máo: “Còn hơn cả người yêu”. Và trước mắt tôi hiện mồn một cảnh những chiếc xe ôm chở người và đồ đạc chạy vèo vèo trên đường làng. Cũng sắp Tết rồi còn gì?

Ngô Thị Thục Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.