Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số

09:08, 30/01/2023

Trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), lĩnh vực giáo dục được đặc biệt chú trọng.

“Phủ sóng” trường học

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 1.011 trường học các cấp (tăng 1 trường so với năm học 2021 - 2022) với 15.524 lớp. Trong đó, có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) gồm 15 trường PTDTNT THCS, 2 trường THPT DTNT, 5 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Hệ thống trường học “phủ sóng” khắp các xã, thị trấn đã bảo đảm căn bản nhu cầu học tập của học sinh, trong đó có 168.285 học sinh DTTS (chiếm 34,76% tổng số học sinh toàn tỉnh).

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lắk tham gia hoạt động hướng nghiệp tại trường.

Cùng với đó, các chế độ, chính sách cho giáo viên và học sinh cũng được thực hiện kịp thời. Điển hình như Chương trình 168, Chương trình 135, Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn…

Mới đây nhất là Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Theo đó, thời gian tới, cả nước sẽ tiếp tục xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường PTDTNT, PTDTBT…

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các chương trình, dự án nói trên đã giúp hạ tầng giáo dục vùng DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng khang trang; phụ huynh có nơi gửi con học để yên tâm làm ăn, cải thiện đời sống.

Đặc biệt là học sinh DTTS theo học các chương trình phổ thông được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên, từ miễn học phí đến nhận học bổng, cộng điểm ưu tiên khi thi tuyển ở các bậc học cao hơn; tạo động lực để học sinh vượt khó, vươn lên trong học tập.

Để đáp ứng nhu cầu học tập cũng như nâng cao chất lượng GD-ĐT cho học sinh vùng DTTS, Sở GD-ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập thêm Trường THPT DTNT Đam San tại thị xã Buôn Hồ, chính thức tuyển sinh năm học 2022 – 2023 với gần 200 học sinh. Đây là yếu tố quan trọng làm tăng dần tỷ lệ học sinh DTTS vào lớp 10 cấp THPT…

Chăm lo cho học sinh DTTS

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 2.891 học sinh đang theo học tại hệ thống trường PTDTNT và được hỗ trợ theo Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Liên Bộ Tài chính – GD-ĐT hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường PTDTNT và các trường dự bị đại học dân tộc.

Theo đó, học sinh được miễn học phí, hưởng học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước với thời gian 12 tháng trong năm; được trang cấp đồ dùng cá nhân; hỗ trợ chi phí đi lại khi về thăm nhà vào dịp lễ, Tết... Đặc biệt là học sinh học tập và rèn luyện tốt sẽ được khen thưởng hằng năm dựa vào kết quả học tập, với mức từ 400.000 - 800.000 đồng/năm.

Buổi học thực hành của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Krông Pắc.

Sự quan tâm hỗ trợ là nguồn động viên lớn với học sinh DTTS. Em H’Wion Srũk (học sinh lớp 8, Trường PTDTNT THCS huyện Lắk) chia sẻ: "Chúng em coi trường học như là mái ấm của mình. Tại đây, ngoài được tiếp cận môi trường học tập thân thiện, hiện đại thì em và các bạn còn được hỗ trợ ăn, ở, đi lại rất chu đáo, gia đình không phải lo lắng gì nên có điều kiện học tốt hơn. Hai năm liền em đạt học lực loại giỏi và được nhận học bổng. Em đang cố gắng học thật tốt để thi vào Trường THPT DTNT N’Trang Lơng". 

Thực tế, việc bảo đảm quyền học tập cho học sinh DTTS và các chính sách liên quan cũng đã giúp ngành giáo dục hoàn thành nhiệm vụ phát triển giáo dục đại trà trên toàn tỉnh, tạo chuyển biến tích cực trong giáo dục vùng DTTS của tỉnh.

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT trăn trở, đời sống của một số vùng DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn; một số gia đình chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em mình dẫn đến chất lượng giáo dục vùng DTTS và vùng thuận lợi còn những khoảng cách. Do đó, rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc truyền thông về thực hiện chế độ chính sách cho vùng DTTS; tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho vùng DTTS, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT, PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.