Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Hiệu quả từ một chính sách dân số

09:24, 30/01/2023

Thời gian qua, huyện Lắk đã triển khai thực hiện Nghị định số 39, ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số (DTTS) khi sinh con đúng chính sách dân số đạt hiệu quả tích cực; qua đó góp phần đáng kể nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Phụ nữ DTTS hoặc phụ nữ dân tộc Kinh có chồng là người DTTS thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con đúng chính sách dân số sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người trong tháng đầu sau sinh. Phương thức hỗ trợ bằng tiền, cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Ðối tượng thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ.

Cán bộ dân số xã Đắk Phơi vận động phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách.

Từ năm 2016 đến nay, qua rà soát, xác minh và lập hồ sơ cho các đối tượng, UBND huyện Lắk đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí cho 1.037 người được hưởng chính sách theo Nghị định 39. Trong đó, có 298 người đã được chi trả với số tiền 596 triệu đồng. Có thể nói, chính sách này đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đa số người dân, nhận thức của đồng bào DTTS về kế hoạch hóa gia đình có chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, huyện Lắk có khoảng 12.200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 62,74%; mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đều giảm xuống qua các năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên...

Nhờ sự tuyên truyền của cán bộ dân số nên vợ chồng chị H’Đin Ntơr ở buôn Pai Bi (xã Đắk Nêu) quyết định chỉ sinh hai con để đảm bảo nuôi dạy con tốt. Gia đình chị đã nhận được 2 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ theo Nghị định 39 và cam kết không sinh con thứ 3.

Chị cho hay: “Nhà mình còn nghèo, được hỗ trợ 2 triệu đồng cả nhà rất vui vì sự quan tâm của Nhà nước. Mình không sinh nữa đâu, tập trung chăm sóc, lo cho các con đi học đầy đủ, sau này có việc làm để cuộc sống không còn nghèo khổ nữa”.

Tương tự, chị Đào Thị Hồng có chồng là người DTTS ở buôn Dhăm 2, xã Đắk Nuê sau khi được tuyên truyền cũng đã quyết định sử dụng biện pháp tránh thai an toàn. Đặc biệt hơn, chị Hồng còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động chị em trong buôn sinh con đúng chính sách dân số, để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Theo chị Ngô Thị Cần, cán bộ dân số xã Đắk Nuê, ngoài trường hợp của chị H’Đin và chị Hồng, trên địa bàn xã đã 84 phụ nữ được nhận tiền hỗ trợ theo chính sách quy định tại Nghị định 39. Số tiền tuy không nhiều nhưng rất có ý nghĩa với đồng bào dân tộc nơi đây.

Tuy nhiên, trong quá trình triển thực hiện Nghị định số 39 trên địa bàn huyện Lắk vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, trên địa bàn huyện còn 125 trường hợp thực hiện đúng chính sách dân số và đã ký cam kết nhưng chưa nhận được hỗ trợ theo Nghị định 39; có 10 trường hợp vi phạm cam kết nhưng cơ quan chức năng mới thu hồi tiền hỗ trợ được 2 trường hợp.

Một số trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình (như tảo hôn hoặc chưa đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng); một số đối tượng ở nơi khác đến lấy chồng và đã sinh sống trong hộ gia đình thuộc hộ nghèo nhưng do không chuyển hộ khẩu đến hộ gia đình đó nên địa phương không có căn cứ để cấp giấy chứng nhận cho phụ nữ này là hộ nghèo…

Ông Phạm Phú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lắk cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi triển khai sâu rộng các hình thức tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình; tăng cường chỉ đạo đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở chú trọng giải thích cho người dân hiểu rõ các nội dung của Nghị định 39; tập trung vào các đối tượng chưa đồng ý nhận kinh phí hỗ trợ, nhất là các đối tượng đã sinh đủ hai con, giúp họ hiểu được lợi ích của việc sinh con đúng chính sách dân số và các chế độ hỗ trợ”.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.