Bùng nổ chatbot, mừng hay lo?
“Cơn sốt" ChatGPT đã thúc đẩy hàng loạt sản phẩm chatbot (chương trình trò chuyện tự động) đính kèm trong các dịch vụ kinh doanh lập tức bùng nổ. Những tin nhắn đi kèm các ứng dụng trong điện thoại lần lượt xuất hiện, nhắc nhở người dùng sử dụng chatbot.
Nhìn chung, cảm giác đầu tiên của không ít người khi nhận được tin nhắn của các nhà mạng, các đơn vị cung cấp dịch vụ về sản phẩm chatbot sẽ hỗ trợ này nọ là hoàn toàn không vui. Không ít người hoạt động trong mảng công nghệ bày tỏ thất vọng trước diễn biến hoạt động đầu tư, triển khai chatbot, lo lắng sẽ sớm xuất hiện những phản ứng tiêu cực của thị trường.
Đua nhau giới thiệu chatbot
Anh Vũ Duy T., Giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ vận tải ở Hải Châu (Đà Nẵng) phàn nàn, anh chưa kịp tìm hiểu về ChatGPT thì trong điện thoại đã nhận được tin nhắn của các nhà cung cấp dịch vụ giới thiệu chatbot đính kèm. Anh T. kể: “Mới đây, My Viettel, phần mềm Viettel cũng nhắn cho tôi về chatbot nào đó giúp tương tác, cung cấp thông tin. Trước nữa, VNPT có chatbot Amy cũng tự giới thiệu là thông minh… Tất cả cứ như một dòng xoáy, tự nhiên bùng lên, đua nhau lôi kéo nhưng không quan tâm người dùng có biết đến hay chấp nhận dịch vụ không nữa”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+) |
Với giới công nghệ, chatbot tất nhiên không phải câu chuyện mới. Lịch sử công nghệ đã ghi nhận ứng dụng này từ nhiều năm trước. Gần đây, khi các mạng xã hội, dịch vụ trực tuyến tăng lên, người dùng di động và điện thoại thông minh nhiều hơn, các chatbot trở nên phổ biến hơn. Đa phần ứng dụng hỗ trợ người tiêu dùng các thông tin về hàng hóa, dịch vụ khi họ muốn tìm hiểu; phần lớn ở dạng chào hỏi, gửi tin nhắn để giúp nhân viên bán hàng tiếp cận khách hàng về sau, đúng như tên gọi “hộp trao đổi”. Đa phần nhà mạng viễn thông, hãng điện thoại… đều tích hợp ứng dụng này ở sản phẩm dịch vụ, nhằm mang đến cảm giác hỗ trợ nhanh hơn với người dùng.
Song, do phần lớn chatbot chỉ mức sơ khai giao tiếp, nên đa số người dùng không ưa thích. Nhiều người khẳng định “từ chối” khi họ liên lạc nhà cung cấp dịch vụ thấy hiện lên ngữ cảnh “người máy trả lời”. Đây là lý do khiến chatbot tuy được nghiên cứu phát triển, nhưng vẫn chưa được nhiều người sử dụng.
Sự xuất hiện ChatGPT với những đặc điểm “thông minh hơn, tích hợp kỹ năng soạn thảo, giải đáp văn bản thành thạo hơn, hỗ trợ nhiều lĩnh vực…” mà cộng đồng mạng đề cao vừa qua, đã khiến cộng đồng xã hội nhìn nhận bối cảnh các chatbot tích cực hơn. Từ tác dụng này, các nhà dịch vụ nghĩ đến cơ hội vận dụng chatbot nhiều hơn nên “đua nhau” đưa ứng dụng vào hoạt động là có lý do.
Xin đừng “vác mai đi đào”!
Đánh giá từ một số cá nhân trong mảng công nghệ cho thấy, thực tế chất lượng hoạt động của các chatbot hiện nay chưa cao, đa phần do công nghệ chưa hoàn chỉnh, hệ thống dữ liệu, nhất là các máy chủ còn bị hạn chế. Quan trọng nhất là các thuật toán xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) trong các ứng dụng chatbot vẫn có vấn đề, với các hệ ngôn ngữ đa dạng như tiếng Việt lại càng khó khăn. Do đó, để có được những ứng dụng chatbot giúp tăng hiệu quả dịch vụ, sản phẩm, các nhà đầu tư cần có sự rà soát, tổ chức nghiêm túc, kỹ lưỡng, không thể vội vàng chạy theo cơ hội nhất thời. Một điển hình đang có chính là Microsoft và Google, hai “ông lớn” công nghệ, trước áp lực thông tin của ChatGPT đã nhanh chóng đưa ra chatbot hỗ trợ người dùng đã bị dư luận phản ảnh “không đạt yêu cầu”.
“Thấy người ta ăn khoai, xin đừng vác mai đi đào”. Cảnh báo này đã được một số chuyên gia công nghệ, qua mạng xã hội, gửi gắm đến các nhà đầu tư, các tổ chức dịch vụ, doanh nghiệp dịch vụ. Họ hy vọng sẽ không xuất hiện một hoàn cảnh thị trường dịch vụ tự dưng rối ren, đảo lộn vì đua tranh chatbot không đáng có. Thậm chí theo một số người quan sát, bản thân phần mềm chatbot đã được ghi nhận là ChatGPT thực tế hoạt động cũng phát sinh lỗi, và trước các dữ liệu chất vấn từ người dùng đã bộc lộ nhiều thiếu sót.
Về cơ bản, ai cũng hiểu, một phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chỉ là sản phẩm lắp ghép, tích hợp thông tin, dữ liệu từ thư viện có sẵn, chưa đủ khả năng tùy biến, ứng phó thông tin như bộ não con người được. Khả năng học tập, tích lũy các ngữ cảnh trả lời của phần mềm, cần được trau dồi từ từ về sau. Nhất là các nhà phát triển cần có những giải pháp, thuật toán xử lý dữ liệu cho ứng dụng một cách hoàn hảo hơn, mới có thể giải đáp được các vấn đề và đi đến kết quả ứng dụng chatbot hiệu quả, tăng giá trị hoạt động dịch vụ, sản phẩm. Một khi các vấn đề này còn bị hạn chế, năng lực còn hạn hữu, các nhà cung cấp dịch vụ, kinh doanh chớ vội vàng đưa ra các ứng dụng chatbot, nguy cơ gây phản tác dụng cho chính mình.
Theo ông Lương Ngọc Tuấn, CEO Công ty Cổ phần Hệ thống Việt (TP. Hồ Chí Minh), trước diễn biến thị trường từ ứng dụng hỗ trợ người dùng thông minh với chatbot, các tổ chức, doanh nghiệp nên bình tĩnh cân nhắc để hợp tác các đơn vị cung cấp giải pháp môi trường mạng nghiên cứu, triển khai chuyển đổi số phù hợp điều kiện và yêu cầu thực tế. Các tổ chức đừng vội “chen chân” vào lĩnh vực ứng dụng, càng đã có sẵn sản phẩm chatbot lại càng phải thận trọng hơn. Bùng nổ hoạt động chatbot hiện nay, là một cảnh báo đáng lo!
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc