Chuyện những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”
Với khoản phụ cấp ít ỏi, đi lại vất vả nhưng đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số huyện Lắk vẫn tận tụy, tâm huyết với công việc, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.
Hơn 21 năm nay, chị Đàm Thị Nga (buôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi) vẫn say mê với công việc làm CTV dân số của mình, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền chị em cách sử dụng biện pháp tránh thai, sàng lọc trước khi sinh, ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Công việc nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng không hề đơn giản, bởi người dân tại buôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, thường có quan niệm “đông con hơn nhiều của”, “nhà có nếp, có tẻ”, nên chị phải tích cực vận động, tuyên truyền những tác hại của việc không thực hiện kế hoạch hóa gia đình để họ nhận thức và hạn chế tình trạng đông con.
Ban ngày, người dân đi làm, tối đến mới ở nhà nên chị tranh thủ thời gian này đến gặp từng hộ để nói chuyện, khuyên bảo. Mặc dù tốn thời gian, vất vả mà chỉ nhận được khoản phụ cấp ít ỏi 150 nghìn đồng/tháng, nhưng chị vẫn luôn nở nụ cười nhiệt huyết, tận tình tuyên truyền nên được nhiều người dân quý mến.
Chị Đàm Thị Nga (buôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) (bên trái) hướng dẫn chị em cách sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả. |
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian dài gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng”, chị Nga kể: “Ngày đó, tôi đi vận động đình sản cho một gia đình đông con, ông chồng nghe xong tức, không cho thực hiện còn cầm dao đuổi đánh khắp nhà. Lúc đó, tôi hoảng hốt, lo sợ dắt xe chạy về. Hơn một tuần sau, tôi vẫn chưa hết sợ hãi, cứ nghĩ sẽ bỏ công việc này, nhưng nhìn hình ảnh các gia đình trẻ mới chỉ tuổi đôi mươi đã có một đàn con thơ nheo nhóc, tôi lại quyết định tiếp tục công việc để tuyên truyền giảm thiểu tình trạng này...”.
Buôn Cao Bằng có 139 hộ, với hơn 700 nhân khẩu, trong đó chỉ có 20 hộ người Kinh, còn lại là bà con người Tày, Nùng, Thái... vì vậy việc vận động người dân thực hiện chính sách về dân số gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, với nỗ lực chịu khó, cần mẫn của chị Nga, ý thức của người dân về việc thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm nhiều so với mọi năm.
Hơn 22 năm nay chị Đỗ Thị Huê (buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi) đã không ngại khó để theo đuổi công việc CTV dân số. Từ những ngày đầu với phụ cấp mỗi tháng từ 20, 80 và 100 nghìn đồng như hiện nay, thế nhưng không vì vậy mà chị lơ đãng với công việc.
Chị Huệ bộc bạch, nếu như đi làm vì tiền thì đã nghỉ từ lâu bởi khoản thù lao ít ỏi, tốn kém thời gian. Sáng đi làm đồng áng, tối đến chị lại tranh thủ đến từng nhà để tuyên truyền, vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa.
Việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, suy nghĩ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn, không thể "một sớm một chiều" mà cần có quá trình, nên chị đã áp dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến từng nhà đã sinh con thứ ba để tuyên truyền, vận động họ không sinh thêm con.
Nhiều lúc chị còn xắn cả tay áo giúp họ làm việc nhà như chị em gần gũi, chia sẻ, giúp họ dần dần nhận thức được vấn đề.
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị Đỗ Thị Huê (buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) (bên phải) tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình cho người dân. |
Nhờ sự nỗ lực của chị Huê mà những năm gần đây trong buôn hầu như không có nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tỷ lệ sinh con thứ ba ngày càng giảm. Phụ nữ mang thai trong thôn đều đi khám tại cơ sở y tế và có các biện pháp phòng tránh thai phù hợp.
Hiện tại mức phụ cấp của các CTV dân số rất thấp, mỗi tháng không quá 150 nghìn đồng. Vì vậy, một số trường hợp từ bỏ công việc khiến việc tập huấn lại các kiến thức, xây dựng đội ngũ rất khó khăn.
Tuy nhiên, bỏ qua những băn khoăn, trăn trở đó, nhiều CTV vẫn rất đam mê, nhiệt huyết với công việc. Hy vọng, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ phù hợp để các CTV dân số hoạt động có hiệu quả, yên tâm công tác, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc