Multimedia Đọc Báo in

Điều kỳ diệu của cuộc sống

09:51, 11/02/2023

Trận động đất có độ lớn 7,8 độ Richter kèm dư chấn xảy ra sáng ngày 6/2, tâm chấn ở độ sâu khoảng 18 km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60 km đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho cả hai quốc gia.

Đây được xem là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này. Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, ông Renato Solidum, nhận định trên tờ The New York Times rằng năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.

1
Em bé sơ sinh được điều trị tại một bệnh viện ở Afrin, Syria. Ảnh: AFP

Tổng số nạn nhân thương vong do trận động đất này tính tới ngày 9/2 đã lên tới hơn 16.000 người chết và hơn 37.000 người bị thương. Con số này có thể còn tăng do vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt trong khi thời tiết trở nên lạnh giá, nhiều cầu đường bị hư hỏng. Các lực lượng hai nước đang phải chạy đua với thời gian để tìm người sống sót dưới sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã có khoảng hơn 8.300 người được giải cứu khỏi các đống đổ nát.

Và điều kỳ diệu đã xảy ra khiến con tim của hàng triệu triệu người trên trái đất xúc động, rưng rưng. Một bé gái sơ sinh được cứu khỏi đống đổ nát ở miền bắc Syria, khi dây rốn vẫn nối với người mẹ đã qua đời trong trận động đất. Em bé là thành viên duy nhất trong gia đình còn sống sót, sau khi ngôi nhà của bé ở thị trấn Jindayris, tỉnh Aleppo, miền bắc Syria bị đổ sập vào sáng sớm ngày 6/2.

Nhờ sự chăm sóc đặc biệt của các bác sĩ, sức khỏe bé gái đã ổn định. Xem hình ảnh về bé trên báo chí và cả trên truyền hình, tôi đã không giấu được niềm xúc động mạnh mẽ. Giữa đống đổ nát hoang tàn, một sinh linh bé bỏng chào đời trong khi dây rốn chưa rời khỏi mẹ và người mẹ không may mắn đã qua đời. Chắc chị đã phải gồng mình, nén đau đớn đến cùng cực, gắng gượng, dồn chút sức tàn cuối cùng của mình để đứa con thân yêu được chào đời. Có lẽ bé là người duy nhất trên thế gian này được khai sinh trong một hoàn cảnh đặc biệt như thế.

Nhiều người đọc khác, cũng như tôi, đã không thể kìm nén xúc cảm của mình khi xem những hình ảnh xúc động đó. Một bạn đọc đã thốt lên: “Đọc tin mà xúc động quá. Trong bóng tối của thảm hoạ đã có một chút ánh sáng soi rọi và em bé chính là hiện thân của sự sống mãnh liệt của con người”. Bạn đọc khác thì viết: “Có ai nghĩ ngay trong đầu tới việc người mẹ đã cố sinh đứa bé ra khi biết thảm kịch đang diễn ra trước mắt như tôi không!? Và người mẹ có thể đã làm tất cả trong khoảnh khắc sinh tử ấy để che chở bảo bọc cho con có được cơ hội sống sót chăng!? Thật không dám tưởng tượng thêm nữa, biết rằng cũng là chết đi, ai rồi cũng thế, nhưng sao có những cái chết, những nỗi đau nó đau đến nghẹn thế này! Thiên thần nhỏ ơi, con hãy cố gắng, cố gắng lên con nhé”.

Một câu chuyện cảm động khác từ nơi xảy ra thảm họa động đất ở Syria cũng “đốn tim” hàng triệu người. Bé gái Mariam 7 tuổi lấy tay che chắn cho em trai suốt 36 giờ khi hai chị em bị kẹt dưới đống đổ nát của căn nhà ở làng Besnaya-Bseineh, Haram, bắc Syria.

Hình ảnh cô bé Mariam được lan truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Trong thảm họa kinh hoàng cận kề cái chết, tình yêu thương đã giúp hai bé có đủ nghị lực sống, vượt lên thử thách hiểm nguy.

"Một phép màu, một người chị tuyệt vời, luôn yêu thương và bảo vệ em trong mọi hoàn cảnh"; "Một anh hùng nhỏ, tình yêu và sự kiên cường của bé khiến tôi không kìm được nước mắt". Đó là những lời khen ngợi của cộng đồng mạng xã hội dành cho bé gái Mariam.

Rất nhiều câu chuyện cảm động đã xảy ra sau trận động đất kinh hoàng này. Khát vọng sống và tình yêu thương con người đã làm nên những điều kỳ diệu của cuộc sống.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc