Multimedia Đọc Báo in

Những chủ tịch hội người cao tuổi tâm huyết

08:14, 03/02/2023

Nhằm chăm lo, khuyến khích, động viên người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích và tiếp tục phát huy vai trò tuổi cao - gương sáng, nhiều cán bộ Hội Người cao tuổi (NCT) ở cơ sở của huyện M’Drắk đã tích cực triển khai các hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, được hội viên nhiệt tình hưởng ứng, tham gia.

Chăm lo cho người cao tuổi vùng sâu

Từng đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND xã Ea Trang, người có uy tín trong cộng đồng người Êđê ở địa phương, đến năm 2021 ông Y Út Byă (tên thường gọi là Ama Min) được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội NCT xã  Ea Trang.

Hội NCT xã Ea Trang có 12 chi hội với 353 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó có 99% hội viên là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.

Trước đây, Hội vẫn duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần song chỉ có thể tổ chức thường xuyên ở các chi hội thôn, buôn khu vực trung tâm xã, còn ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa thì hầu như không duy trì được.

Nguyên nhân là bởi ở các thôn vùng sâu, bà con sinh sống không tập trung, trong khi các cụ hầu hết đều đã tuổi cao sức yếu khiến việc tập hợp sinh hoạt là rất khó khăn.

Mặt khác, nguồn quỹ dành cho hoạt động của các chi hội rất hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ chính quyền địa phương nên không đáp ứng được nhu cầu của hội viên. Cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao cho hội viên gần như không có gì…

Ông Ama Min đóng góp ý kiến xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trước tình trạng ấy, Ama Min đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức chúc thọ, mừng thọ hội viên; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho NCT theo đúng quy định; phối hợp với gia đình lo hậu sự chu đáo cho hội viên qua đời.

Bằng nguồn vận động xã hội hóa chăm lo cho NCT, hằng năm Ama Min đã phối hợp tổ chức từ 1 - 2 đợt khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, trao tặng hàng trăm suất quà cho hội viên nghèo nhân dịp lễ, Tết; trực tiếp thăm hỏi hội viên ốm đau, hoạn nạn với suất quà từ 200.000 - 500.000 đồng/hội viên.

Xuyên suốt quá trình công tác, ông luôn nói đi đôi với làm để làm gương cho hội viên, người dân noi theo. Từ xuất phát điểm là hộ nghèo, Ama Min đã vươn lên là hộ có kinh tế ổn định với mức thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm, nhờ trồng rừng nguyên liệu kết hợp chăn nuôi bò.

Bằng uy tín của bản thân, ông đã vận động hội và gia đình hiến trên 5.000 m2 đất xây dựng nông thôn mới. Trong đó, riêng gia đình ông hiến hơn 3.000 m2 đất để kéo điện chiếu sáng, làm đường liên thôn, giúp người dân đi lại thuận tiện.

Với những đóng góp trong công tác xã hội, Ama Min đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, ông là một trong 163 đại biểu chính thức được tôn vinh, biểu dương trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức.

Gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động

Cũng từng tham gia và giữ các chức vụ cốt cán ở địa phương, sau khi về hưu, ông Lò Văn Đấm vẫn nhiệt huyết tham gia công tác xã hội ở thôn; năm 2016, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội NCT xã Ea Pil.

Trong vai trò là Chủ tịch Hội, ông Đấm tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động Hội ngày càng đi vào nền nếp. Miệng nói tay làm, ông luôn gương mẫu làm trước rồi vận động các thành viên trong Ban Chấp hành Hội cùng thực hiện để hội viên noi theo.

Ông Lò Văn Đấm (giữa) cùng cán bộ hội tham quan mô hình kinh tế hiệu quả của hội viên trên địa bàn xã Ea Pil.

Mặc dù địa bàn xã rộng, đi lại khó khăn nhưng ông Đấm vẫn trực tiếp đi đến tận các chi hội thôn vận động NCT tham gia tổ chức Hội.

Cùng với việc thường xuyên quan tâm, thăm hỏi những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, ông còn chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn, hội của xã, hội cấp trên vận động người dân, các tổ chức cá nhân, mạnh thường quân chung sức giúp đỡ hộ nghèo xóa nhà dột nát; tạo điều kiện cho con, cháu hội viên được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế; động viên hội viên còn sức khỏe trực tiếp cùng con cháu lao động để nâng cao đời sống.

Đặc biệt, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, với phương châm “mưa dầm thấm lâu” ông Đấm thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương, nhất là hội viên NCT góp công, góp của chung tay cùng chính quyền xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn.

Đến nay, người dân xã Ea Pil đã đóng góp 1,8 tỷ đồng, hiến hơn 1 ha đất cùng tài sản, hoa màu trên đất, đóng góp ngày công lao động xây dựng nông thôn mới.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.