Multimedia Đọc Báo in

Sôi động thị trường lao động đầu năm

07:53, 09/02/2023

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh bắt đầu sôi động trở lại. Cùng với quay lại một số tỉnh phía Nam để làm việc, các phiên giới thiệu việc làm cũng nhộn nhịp bởi có nhiều lao động tìm đến để được tư vấn và tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.

Sau 4 năm làm công nhân sản xuất linh kiện ô tô tại tỉnh Bình Dương, anh Nguyễn Văn Việt (xã Ea Na, huyện Krông Ana) đã quyết định nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Nghe tin có phiên giới thiệu việc làm được tổ chức tại huyện Krông Ana, anh Việt đã đến để tìm hiểu.

Sau khi được nghe tư vấn và cập nhật thông tin tuyển dụng lao động tại các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, anh quyết định nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.

Anh Việt tin rằng, với kinh nghiệm 4 năm làm nghề của mình, anh sẽ thích ứng được với môi trường làm việc tại Nhật và đây cũng là cơ hội để anh phát triển bản thân, nâng cao thu nhập.

Người lao động được tư vấn, tìm hiểu thông tin về việc làm trong phiên giao dịch việc làm tổ chức tại huyện Krông Ana.

Anh Việt phấn khởi cho biết: “Trước khi đến phiên giao dịch việc làm ở huyện Krông Ana, tôi cũng có tìm hiểu qua về xuất khẩu lao động. Đây cũng là ước muốn để phát triển bản thân và có nguồn thu cho gia đình. Được các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, tôi cũng tìm hiểu kỹ hơn về các công ty, đơn vị để có sự lựa chọn việc phù hợp như mong muốn. Qua đó, tôi đã quyết định theo ngành đóng gói linh kiện ở Nhật Bản…”

 

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm lưu động và ngày hội việc làm. Qua đó có 9 lượt doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm; gần 2.300 người lao động đến tham gia; trong đó đã có 857 người lao động được tư vấn việc làm, nghề nghiệp; 50 lao động được tuyển dụng trực tiếp và hẹn phỏng vấn sau phiên; gần 600 lao động có nhu cầu tìm việc làm sau phiên.

Vừa trở về sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Lê Anh Nam (thôn 2, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) cũng nhanh chóng tìm đến phiên giao dịch việc làm.

Sau khi được tư vấn về những chính sách đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Nam đã quyết định đi học lái xe để mở ra những cơ hội việc làm phù hợp cho mình.

“Hiện tại tôi mới vừa xuất ngũ, được biết có chương trình tư vấn việc làm dành cho bộ đội xuất ngũ nên tôi đã tham dự. Ở đây, tôi đã nắm được nhiều thông tin chính xác, thiết thực, từ đó quyết định đi học lái xe và công nghệ ô tô, sau đó sẽ đi làm…”, anh Nam chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana Y Thắng B’đap cho biết: Hiện toàn huyện có khoảng 58% dân số trong độ tuổi lao động. Để giúp người lao động nắm bắt được thông tin chính thống về tuyển dụng việc làm, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại huyện và các xã có nhiều người trong độ tuổi lao động nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp.

Việc đưa các phiên giới thiệu việc làm về tận địa phương sẽ giúp người lao động có nhiều lựa chọn phù hợp, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục làm cầu nối giữa Trung tâm và các doanh nghiệp với hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu về việc làm. Qua đó tuyên truyền, vận động, tư vấn để hội viên nắm được những chính sách của Nhà nước đối với việc hỗ trợ cho các lao động có nhu cầu làm việc tại tỉnh, ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu lao động theo ngạch chính thống.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện cũng tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cung cấp thông tin về việc làm cho người lao động trong phiên giao dịch việc làm tổ chức tại huyện Krông Ana.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nguyễn Văn Cường thông tin: Trong năm 2023, Trung tâm phấn đấu tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho hơn 22.000 lượt người; giới thiệu việc làm cho khoảng 7.600 người; cung cấp thông tin thị trường lao động cho khoảng 15.000 lượt đơn vị, doanh nghiệp và người lao động…

Để làm được điều này, trong năm 2023, Trung tâm sẽ tổ chức khoảng 60 phiên giao dịch việc làm tại các địa phương và khoảng 10 phiên giao dịch việc làm chuyên đề tại Trung tâm.

Ngoài ra sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức các buổi tư vấn việc làm cho học sinh lớp 12. Các phiên giới thiệu việc làm cũng sẽ được thay đổi theo hướng đến gần với người lao động hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Cường, hiện nay có khoảng 600 doanh nghiệp tại tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng đang liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đăng ký tuyển dụng lao động của Đắk Lắk đi làm việc tại các tỉnh. Đơn vị tuyển dụng ít nhất là 200 người và nhiều nhất là 5.000 người. Đây là cơ hội lớn để người lao động Đắk Lắk tìm kiếm việc làm cho mình.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.