Multimedia Đọc Báo in

Xã nông thôn mới, dân vẫn dùng điện tự kéo

08:15, 14/02/2023

Mặc dù hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ, các mặt đời sống nâng cao rõ rệt, song, người dân nhiều khu vực dân cư tại xã Krông Búk, huyện Krông Pắc vẫn phải sử dụng hệ thống điện tự kéo không đảm bảo chất lượng, hao phí lớn lại mất an toàn.

Thôn 15 có 119 hộ thì hiện vẫn có hơn 40 hộ dùng điện tự kéo. Bà Triệu Thị Thùy, thôn trưởng thôn 15 cho hay, hai hệ thống đường điện tự kéo có tổng chiều dài gần 2 km, do bà con trong thôn tự góp tiền, góp công làm từ năm 2007.

Trải qua hơn 15 năm sử dụng, hệ thống truyền tải điện đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều trụ đổ ngã, dây điện võng xuống đất. Người dân trong thôn phải chống đỡ bằng các trụ gỗ, cọc tre hoặc gá tạm lên trụ cổng của gia đình. Mấy năm trước, đã có trường hợp người dân trong thôn đang điều kiển xe máy thì bị dây điện rơi xuống gây tai nạn, rất may chưa xảy ra thương tích nghiêm trọng.

Đường điện tự kéo tại thôn 15 đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Đường dây cũ, xuống cấp nên tổn thất điện năng lớn, bình quân lên đến 30% tổng lượng điện qua công tơ tổng. Vì lẽ này, bà con dùng điện tự kéo phải trả giá điện cao hơn nhiều so với các hộ mua điện trực tiếp, khoảng hơn 2.500 đồng/kWh, trong khi đó, chất lượng sử dụng điện lại không đảm bảo, đa số chỉ phục vụ nhu cầu thắp sáng. Ngay cả các gia đình có nhu cầu, muốn mua các thiết bị như ti vi, tủ lạnh, máy giặt cũng đều phải cân nhắc vì dòng điện không ổn định, thiết bị không sử dụng được hoặc có sử dụng cũng thường xuyên hư hỏng. Bên cạnh đó, do đường điện không đảm bảo nên bà con không bơm nước giếng để tưới cho cây trồng được, trong khi điều kiện đất đai khu vực này trũng thấp, chủ yếu chỉ canh tác được một vụ mùa khô nên nhiều diện tích phải bỏ hoang.

Tương tự, thôn 18 có 102 hộ thì cũng có đến gần 50% người dân dùng điện tự kéo. Bà Phan Thị Lớn, người dân thôn 18 than thở, gia đình bà phải trả bình quân 3.000 đồng/kWh nên cũng chỉ dám sử dụng những bóng đèn nhỏ, công suất thấp để chiếu sáng. Ngoài 4 bóng điện, gia đình chỉ dùng thêm 1 máy bơm nước phục vụ sinh hoạt. Thế nhưng vào mùa khô, dòng điện rất yếu, bóng điện chập chờn. Muốn bơm nước, bà phải đợi đến đêm khuya mà có khi vẫn không sử dụng được.

Đường điện tại thôn 18 được người dân chống đỡ tạm bợ bằng các cọc tre.

Đường dây võng thấp, lộ nhiều mối hở gây mất an toàn. Tại thôn đã từng xảy ra nhiều trường hợp trâu, bò bị điện giật chết khi vướng phải đường dây. Cuối năm 2022, người dân đã tự góp gần 50 triệu đồng để tự đổ trụ bê tông và kéo lại đường dây mới dài gần 1 km. Tuy nhiên, do công suất trạm biến áp thấp nên dòng điện vẫn không đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân.

Thống kê sơ bộ, toàn xã Krông Búk hiện có khoảng 300 hộ vẫn đang mua điện qua công tơ tổng, sử dụng đường dây tự kéo tại các thôn Đồi Đá, 14, 15, 16, 18, 19, 20 và Ea Kung. Các cụm dân cư dùng điện tự kéo này nằm trong phạm vi quản lý của Điện lực Krông Pắc và Điện lực Buôn Hồ. Hầu hết các đường điện tự kéo đều không đảm bảo an toàn, hao tổn điện năng lớn.

Ông Nguyễn Bình Luận, Chủ tịch HĐND xã Krông Búk cho hay, bà con liên tục phản ánh tại các cuộc họp, hội nghị tiếp xúc cử tri suốt hàng chục năm qua. Chính quyền và các cơ quan tại địa phương cũng nhiều lần kiến nghị đến ngành điện và các cơ quan cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đa số bà con ở các khu vực này đều đã sinh sống ổn định từ 20 – 30 năm nay, dân cư ngày một phát triển. Mong các ngành chức năng sớm quan tâm đầu tư cải tạo đường điện, phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, góp phần đảm bảo chất lượng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của địa phương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.