Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Đưa công nghệ thông tin vào trường học

08:31, 16/03/2023

Xác định công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ đắc lực để đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua nhiều trường học trên địa bàn huyện Krông Búk đã áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Học sinh hứng thú

Trường THCS Ngô Gia Tự (xã Cư Pơng) có hơn 72% học sinh là người dân tộc thiểu số. Để nâng cao chất lượng giáo dục, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho học sinh, nhà trường luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, các thiết bị CNTT từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác dạy học. Nhờ đó, hiện nay 18/18 phòng học của nhà trường được trang bị ti vi, có 40 máy vi tính, 1 phòng học thông minh và mạng Internet kết nối đến tất cả lớp học.

Nếu như trước đây giáo viên nhà trường phải soạn giáo án bằng cách viết tay, tìm kiếm những hình ảnh, đồ dùng phục vụ bài giảng, thì nay các thầy cô giáo sử dụng mạng Internet để khai thác tài nguyên giáo dục phong phú cho bài giảng. Chỉ cần “click chuột” là giáo viên có thể tích hợp các tư liệu, phim ảnh, âm thanh liên quan để bổ trợ cho bài giảng, giúp tiết học trở nên sinh động hơn.

Cô Nguyễn Thị Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (bên phải) theo dõi học bạ điện tử của học sinh.

Nắm bắt được những lợi ích từ ứng dụng CNTT mang lại, trong các tiết dạy, nhiều giáo viên đã tận dụng lợi thế, tiện ích của CNTT trong xây dựng giáo án điện tử, khai thác hiệu quả kho bài giảng E-Learning của Bộ GD-ĐT và một số phần mềm phục vụ giảng dạy như: Powerpoint, phần mềm thực hiện thí nghiệm ảo...

Cô Nguyễn Thị Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự cho biết, CNTT là “trợ thủ đắc lực” giúp giáo viên thiết kế các hoạt động giáo dục. 100% giáo viên của nhà trường đã sử dụng giáo án điện tử phục vụ việc giảng dạy, thiết kế bài giảng phù hợp với nội dung tiết học, qua đó khơi gợi hứng thú học tập của học sinh.

Em Nguyễn Thị Hà Giang, lớp 7A2 chia sẻ: "Nhờ ứng dụng CNTT vào bài giảng, các tiết học sinh động hơn. Như môn Tiếng Anh, được xem clip minh họa nội dung bài giảng với hình ảnh sinh động và được nghe phát âm của người bản xứ, chúng em tập trung chú ý, hào hứng học tập hơn".

Bớt việc cho giáo viên

Không chỉ giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập, CNTT còn giúp lãnh đạo các nhà trường quản lý thông tin và các nghiệp vụ một cách hiệu quả, dễ dàng. Đơn cử tại Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Pơng Drang), CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong nhà trường để triển khai sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, giáo án điện tử...

Một tiết dạy sử dụng giáo án điện tử tại Trường THCS Ngô Gia Tự.

Nếu như trước kia, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi phải tính điểm trung bình các môn, xếp loại học lực cho hơn 800 học sinh được bằng phương pháp thủ công rồi ghi vào sổ mất rất nhiều thời gian và dễ xảy ra nhầm lẫn thì nay được thực hiện hoàn toàn trên thiết bị công nghệ, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian để tập trung cho công tác chuyên môn. Ban Giám hiệu nhà trường chỉ cần truy cập vào phần mềm là quản lý được điểm số của học sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng dễ dàng theo dõi, nắm bắt kết quả học tập của con em mình.

 

Với mục tiêu làm mới các tiết học, tạo hứng thú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, thời gian tới ngành giáo dục huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm quản lý. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng giáo dục”...

 
Thầy Nguyễn Đình Khả, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Búk

Thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi cho biết, việc sử dụng các phần mềm điện tử đã mang lại nhiều tiện ích trong công tác quản lý của nhà trường, giảm gánh nặng về hồ sơ, sổ sách. Mỗi giáo viên được cấp một tài khoản để đăng nhập vào hệ thống. Chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối mạng Internet, giáo viên ngồi ở đâu cũng có thể vào điểm, không phải  cộng, trừ, nhân, chia điểm của từng học trò như trước nữa.

Tiện ích hơn khi nhiều giáo viên cho rằng, trong học bạ giấy, phần trống để cho giáo viên ghi rất nhỏ, nên chỉ ghi được vài dòng, không thể hiện hết những gì cần nhận xét; khi số hóa toàn bộ sổ sách, hồ sơ thì mọi thứ dễ dàng và lưu giữ an toàn hơn rất nhiều.

Theo số liệu của Phòng GD-ĐT huyện Krông Búk, hiện nay 100% trường học trên địa bàn huyện đã có đường truyền Internet; 100% trường THCS, 70% trường tiểu học có phòng Tin học; 80% phòng học được trang bị thiết bị CNTT hỗ trợ giảng dạy như máy chiếu, ti vi...; 100% trường học sử dụng học bạ điện tử; văn bản, sổ sách đã được số hóa.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.