Multimedia Đọc Báo in

Bất an khi qua cầu Thống Nhất

08:20, 02/04/2023

Qua hàng chục năm sử dụng, cùng với tác động của tình hình mưa lũ hằng năm, công trình cầu C10 (thường gọi là cầu thôn 2A, cầu Thống Nhất) ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar) bị xuống cấp, hư hỏng nặng, song người dân địa phương và vùng lân cận vẫn phải liều mình qua cầu mỗi ngày để đi lại, giao thương hàng hóa.

Cầu Thống Nhất nằm trên tuyến đường liên xã Ea Ô - Ea Păl - Cư Bông (huyện Ea Kar). Đây là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân ở 5 thôn phía Đông và Đông Nam của xã Ea Ô là: 1A, 1B, 2A, 2B, 2C và vùng lân cận. Những năm gần đây, công trình này bị xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Mố cầu Thống Nhất phía trung tâm xã Ea Ô bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Quan sát cho thấy, tất cả thanh trụ cầu bằng sắt đều đã hoen rỉ, một số trụ còn có hiện tượng nước bào mòn một phần, khả năng gãy, sập rất dễ xảy ra. Thêm vào đó, tại khu vực cầu Thống Nhất bắc qua thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, phía bên phải mố cầu (phía trung tâm xã Ea Ô) đất lở ngoạm tới chân cầu, nguy cơ toàn bộ mố và thân cầu bị cuốn phăng. Bên cạnh đó, phần lan can cầu cũng hoen rỉ, hư hỏng nặng, thậm chí một số thanh đã bị đứt gãy. Do nằm trên tuyến đường huyết mạch, nên cầu Thống Nhất có nhiều phương tiện qua lại, trong đó không ít xe có trọng tải nặng lưu thông qua, nhất là xe chở vật liệu xây dựng, chở hàng hóa, nông sản khiến cây cầu vốn đã hư hỏng càng xuống cấp trầm trọng hơn.

Thêm vào đó, sau cơn mưa lũ kéo dài vào cuối năm 2021, một mố cầu Thống Nhất đã bị nước lũ cuốn trôi gây chia cắt trong thời gian dài đối với hàng trăm hộ dân địa phương. Sau sự cố sập một mố cầu phía bên thôn 2A, huyện Ea Kar đã triển khai sửa chữa vị trí hư hỏng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài nếu không được nâng cấp hoặc đầu tư mới sẽ rất nguy hiểm cho người dân và phương tiện khi lưu thông qua đây.

Vẫn biết đi qua công trình cầu xuống cấp, hư hỏng nặng là rất nguy hiểm, nhưng do đây là con đường ngắn nhất để đến nơi sản xuất và đường đến trường gần nhất nên hằng ngày người dân vẫn phải liều mình lưu thông qua cầu Thống Nhất. Ông Dương Văn Kỳ ở thôn 2A, xã Ea Ô cho biết, năm 1989 gia đình ông từ Hà Tĩnh vào nơi ở hiện tại để sinh sống, cầu Thống Nhất đã được sử dụng trước thời điểm ông vào đây. Mùa mưa lũ nào người dân cũng phải chứng kiến cảnh cầu bị ngập lụt. Vào những ngày đó, người dân trong thôn và học sinh muốn sang trung tâm huyện để sản xuất, học tập đều phải đi vòng sang hướng khác, với chiều dài quãng đường gấp nhiều lần so với đường qua cầu. 

Trụ cầu bị nước bào mòn, ô xy hóa, nguy cơ đứt gãy rất cao.

Ông Đào Xuân Hùng, trưởng thôn 2A lo lắng: Năm 2022, Nhà nước đã quan tâm gia cố, kè mố cầu tại vị trí bị chia cắt, tuy nhiên, những bất cập đối với cầu Thống Nhất thì vẫn tồn tại, gây khó khăn cho người dân địa phương. Mùa mưa đến cầu ngập nhiều ngày, việc đi học của học sinh rất bất tiện. Chẳng hạn nếu đi thẳng từ thôn 2A qua cầu Thống Nhất đến Trường THPT Nguyễn Thái Bình ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar, độ dài quãng đường chỉ 4 km, còn nếu cầu bị ngập buộc các em phải đi vòng theo hướng qua xã Cư Elang, thì quãng đường dài khoảng 30 km. Trước đây, khi các con đang nhỏ, năm nào vào mùa mưa lũ ông Hùng cũng ám ảnh vì phải đi vòng hàng chục cây số để đưa, đón con đi học.

Cầu Thống Nhất ngày càng xuống cấp, cộng thêm tình hình sạt lở mố cầu phía trung tâm xã Ea Ô khiến người dân địa phương hết sức lo lắng. Với đặc thù là địa phương sản xuất nông nghiệp, mong muốn có một cây cầu kiên cố là nguyện vọng chính đáng của người dân xã Ea Ô và các địa phương nằm trên tuyến đường liên xã Ea Ô - Ea Păl - Cư Bông để đi lại an toàn, giao thương hàng hóa thuận tiện.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.