Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở làng Mông xã Cư Króa

06:51, 02/04/2023

Thôn 7 và thôn 9 (xã Cư Króa, huyện M’Drắk) hiện có 456 hộ dân, 2.704 khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống từ khoảng năm 2000.

Nằm ở vùng rừng núi hoang vu, biệt lập, cách trung tâm xã từ 15 – 30 km, các thôn này thuộc diện đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, từng là “điểm nóng” về tảo hôn và sinh đông con…

Giải bài toán về hạ tầng cơ sở

Để giải bài toán khó về giao thông cách trở, kinh tế khó khăn, tỷ lệ sinh cao và những hệ lụy của việc đói nghèo tại địa bàn thôn 7 và thôn 9, chính quyền xã Cư Króa đã xây dựng Chương trình chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tại hai thôn người Mông, đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bám sát nghị quyết của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; đồng thời phát huy vai trò người uy tín, đoàn viên thanh niên người Mông ở hai thôn phối hợp chặt chẽ với cán bộ phụ trách công tác dân số xã đẩy mạnh truyền thông về dân số...

Cán bộ y tế về tận thôn để tiêm chủng cho người dân tại làng Mông, xã Cư Króa.

Nhờ những biện pháp nói trên, kinh tế - xã hội ở hai thôn đồng bào Mông xã Cư Króa từng bước nâng lên, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, xây dựng. Đến nay, các tuyến đường chính kết nối đến thôn 7 và thôn 9 cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương buôn bán thuận lợi. Tại hai thôn đã có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có 3 sân bóng đá nhân tạo; được phủ sóng điện thoại di động, có điện lưới quốc gia; có điểm trường phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả tăng lên, tỷ lệ sinh con thứ ba giảm đáng kể. Hai thôn đã thành lập và duy trì mô hình “Tự quản về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy” làm nòng cốt trong bảo đảm an ninh trật tự của thôn.

Phát triển kinh tế rừng

Đất đai tại địa bàn hai thôn 7, 9 hầu hết là đồi núi dốc, trước đây, người dân chỉ trồng sắn, lúa nương một vụ và khai thác sản vật từ rừng, đời sống rất khó khăn. Từ năm 2007, xã thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xác định điều kiện khí hậu tự nhiên, thổ nhưỡng tại hai thôn rất phù hợp cho phát triển kinh tế rừng kết hợp với phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, từ đó vận động nhân dân hai thôn 7, 9 đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng tại các vùng đồi núi.

Hiện nay, tại thôn 7 và thôn 9 có trên 80% gia đình làm nghề trồng rừng với giống keo lai (trong đó, hộ thấp nhất hơn 1 ha, nhiều nhất trên 10 ha), tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại chỗ với mức thu nhập từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày công bóc vỏ keo, bốc keo... Nhờ hướng phát triển này, nhiều gia đình thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Người dân thôn 9 thu hoạch rừng keo nguyên liệu.

Điển hình như gia đình anh Giàng Seo Chấu (thôn 7) trước đây chỉ trông vào thu nhập từ trồng sắn, lúa nương nên thu nhập rất bấp bênh. Năm 2010, anh quyết định đầu tư trồng hơn 2 ha keo lai trên phần đất sản xuất kém hiệu quả. Theo anh Chấu, mỗi héc-ta rừng chỉ cần đầu tư khoảng 8 - 10 triệu đồng, bao gồm giống và công trồng; lợi nhuận đạt bình quân trên 50 - 70 triệu đồng/ha. Số tiền tích lũy từ bán keo, anh tiếp tục mua đất để mở rộng trồng rừng lên hơn 8 ha. Nguồn thu ổn định từ trồng rừng nguyên liệu keo giúp gia đình anh xây được nhà cửa khang trang, mua sắm các đồ dùng trong nhà và đầu tư cho con cái học hành…

Hay như gia đình anh Giàng Seo Cháng (thôn 9) cũng bắt đầu chuyển đổi sang trồng rừng từ năm 2010. Đến nay, gia đình anh Cháng có hơn 10 ha keo. Theo chu kỳ 4 - 5 năm, hầu như năm nào gia đình anh cũng đều có thu nhập từ rừng trồng, bình quân trên 60 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí. Tận dụng bìa rừng, bãi cỏ, anh Cháng còn nuôi lợn, gà để cải thiện cuộc sống. Anh Cháng chia sẻ, trồng rừng thuận lợi hơn so với cây trồng khác ở chỗ không tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ít công chăm sóc. Thời gian đầu chỉ tốn công đào hố trồng, phát dọn, chăm sóc, trồng dặm lại số cây chết và có thể tận dụng thời điểm này trồng xen cây ngắn ngày để tăng thu nhập. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã có các nhà máy băm dăm giúp người dân có thể chủ động được công thu hoạch, giảm chi phí vận chuyển.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.