Ngôi trường đặc biệt cho trẻ khuyết tật
Trong việc bảo đảm quyền được học tập cho trẻ khuyết tật, mô hình trường chuyên biệt đóng vai trò quan trọng. Nhiều năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh đã tạo cơ hội học tập, hòa nhập xã hội cho nhiều trẻ khuyết tật trên địa bàn.
Môi trường giáo dục chuyên biệt
Giờ học trên lớp ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) khá yên tĩnh, cô và trò giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu, thể hiện qua biểu cảm khuôn mặt, khẩu hình và động tác múa tay.
Cô Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm cho biết, năm học 2022 - 2023, Trung tâm có 186 học sinh được chia làm 20 lớp, trong đó có 11 lớp khiếm thính, 6 lớp khuyết tật trí tuệ và 3 lớp can thiệp sớm.
Là đơn vị giáo dục đặc thù nên Trung tâm phải xây dựng chương trình, lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Những giờ lên lớp, cả giáo viên, học sinh đều phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều, giáo viên phải hòa mình vào môi trường giáo dục chuyên biệt, thích ứng với hoàn cảnh, để từ đó đồng cảm, thấu hiểu học sinh và có sự truyền đạt, giảng dạy thích hợp.
Một tiết học của học sinh lớp khiếm thính tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. |
Hiện Trung tâm có gần 100 em ở nội trú, còn lại là học bán trú. Rời xa vòng tay cha mẹ, các em may mắn có những giáo viên tận tâm, giàu lòng yêu nghề ở Trung tâm làm điểm tựa để vươn lên trong cuộc sống. Các em được dạy dỗ, chỉ bảo từng bước, từ việc biết chào hỏi, xin phép, xin lỗi, cảm ơn và biết tự phục vụ cho bản thân mình, sau đó mới đến những kiến thức trong sách vở. Thông qua ngôn ngữ ký hiệu, em Vi Thị Thu Hà, học sinh lớp khiếm thính 4A2, hiện đang ở nội trú tại đây bày tỏ: “Em cảm thấy rất vui khi tham gia học ở lớp cùng các bạn. Ngoài giờ học còn có những giờ chơi ở trường rất vui. Bản thân em cảm thấy được yêu thương rất nhiều”.
Nỗ lực vì sự phát triển của trẻ
Tại Trung tâm, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, lại mang mặc cảm về cơ thể nên tỏ ra rụt rè, thậm chí không hợp tác với giáo viên. Dù gặp không ít khó khăn nhưng bằng tình yêu thương, sự nhiệt huyết với công việc, cán bộ, giáo viên, nhân viên ở Trung tâm đã nỗ lực không ngừng giúp các em có được những kỹ năng cần thiết để sớm hòa nhập với cộng đồng.
Còn nhớ năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để đảm bảo quy định phòng, chống dịch, học sinh Trung tâm phải tham gia học tập trực tuyến 2/3 thời gian. Đối với học sinh bình thường, học trực tuyến đã gặp nhiều khó khăn thì đối với học sinh khuyết tật, sự khó khăn ấy càng tăng lên nhiều lần. Thầy cô ở Trung tâm cùng phụ huynh đã nỗ lực hỗ trợ học sinh trong dạy và học, đặc biệt hỗ trợ 100% học sinh khiếm thính tham gia học trực tuyến. Kết quả, năm học 2021 - 2022, có 25 em đạt xuất sắc (chiếm 13,89%), 22 học sinh tiêu biểu, vượt trội, có nhiều tiến bộ trong học tập và rèn luyện (chiếm 12,22%).
Cô Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh nhận bức tranh do học sinh vẽ tặng giáo viên Trung tâm tại lễ kỷ kiệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022. |
Đặc biệt, Trung tâm còn xây dựng đội ngũ gồm 5 giáo viên chuyên hỗ trợ giáo dục hòa nhập ở các cơ sở giáo dục. Theo đó, giáo viên sẽ tham gia hỗ trợ học sinh khuyết tật nặng (trong đó có nhiều học sinh đi ra từ Trung tâm) đang học hòa nhập bên ngoài; hỗ trợ giáo viên, Ban Giám hiệu các trường có trẻ khuyết tật trong quản lý, điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy; tổ chức tập huấn cho các đơn vị có nhu cầu về giáo dục hòa nhập.
Bên cạnh giảng dạy kiến thức căn bản, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm; mở lớp hướng nghiệp nghề thủ công cho học sinh, qua đó nhằm khuyến khích, phát huy năng khiếu, kỹ năng, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống.
Theo cô Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm, thời gian qua, phụ huynh đưa trẻ khuyết tật, tự kỉ đến trung tâm tư vấn, xin học rất đông. Tuy vậy, do cơ sở vật chất còn hạn chế, phòng học đặc thù nhỏ, đội ngũ giáo viên còn thiếu nên Trung tâm chưa đủ điều kiện để tiếp nhận đông học sinh. Trung tâm mong muốn cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa, hỗ trợ kinh phí cho công tác giáo dục hòa nhập, hỗ trợ thêm học bổng cho các học sinh khó khăn cũng như có cơ chế bổ sung thêm giáo viên để Trung tâm có đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ tốt hơn..
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc