Multimedia Đọc Báo in

Những gam màu sống động trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột

07:57, 27/04/2023

Hướng đến xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” và trung tâm của vùng Tây Nguyên, đặc biệt là phát triển đô thị xanh, mang đậm bản sắc văn hóa, chính quyền cũng như các cấp, các ngành của thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, đầu tư, chỉnh trang hạ tầng đô thị.

Đa văn hóa, giàu bản sắc

Được đánh giá là địa phương có dư địa lớn về tài nguyên và yếu tố con người, TP. Buôn Ma Thuột còn có sự đa dạng văn hóa với 40 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người Êđê là dân tộc chiếm đa số trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại đây (khoảng 12%). Sự hiện hữu của người Êđê và các nhóm dân tộc thiểu số với những nét độc đáo về không gian sinh tồn và thực hành văn hóa đã thực sự là một tài nguyên nhân văn quan trọng của thành phố, đặc biệt khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính vì lý do đó, khi đến với Buôn Ma Thuột, hình ảnh những người Êđê mặc trang phục truyền thống cùng với tiếng chiêng ngân vang đã trở thành nét đặc trưng của xứ sở này.

Cơ sở hạ tầng TP. Buôn Ma Thuột được đầu tư đồng bộ.

Mặt khác, đô thị Buôn Ma Thuột còn được bao quanh bởi một cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ, đặc điểm địa hình lượn sóng, dốc thoải, hội tụ nhiều nguồn lực thuận lợi cho phát triển thành đô thị xanh sinh thái. Cùng với việc sở hữu những dòng suối như: suối Xanh, Ea Tam, Ea Nuôl, Đốc Học, với lưu vực nước khá lớn chảy trong lòng thành phố, Buôn Ma Thuột còn có những hồ nước lớn, nhỏ tạo ra các vùng cảnh quan rất đẹp như: hồ Ea Kao, Ông Giám, Ea Tam… Bên cạnh đó, thành phố được đánh giá là một trong những đô thị có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước. Tài nguyên đất, nước và cây xanh dồi dào hội tụ trong một nền văn hóa đa dạng đã tạo nên nhiều điểm nhấn cho TP. Buôn Ma Thuột.

 

“Để trở thành đô thị xanh, bản sắc và có những điểm nhấn riêng, nổi bật so với các đô thị khác, TP. Buôn Ma Thuột sẽ thực hiện đổi mới mô hình phát triển đô thị song song với quá trình điều chỉnh tổng thể, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố. Cụ thể là phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh gắn với phát triển đô thị thông minh, đồng thời mang nét đặc sắc riêng” - Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, nhằm tạo ra nét riêng và sự khác biệt so với các đô thị khác trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, TP. Buôn Ma Thuột đã có một nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng và tập trung đầu tư cho các buôn giữ gìn bản sắc văn hóa theo hướng “buôn trong phố, phố trong buôn” mang đặc trưng riêng của Buôn Ma Thuột. Cùng với đó, thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cho 33 buôn trên địa bàn. Các buôn còn giữ được không gian nhà dài, bến nước, văn hóa đặc trưng của dân tộc Êđê sẽ được đầu tư để phát huy bản sắc văn hóa. Thành phố cũng kêu gọi tư nhân đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch cộng đồng để người dân hưởng lợi trực tiếp từ mô hình này...

Tạo những điểm nhấn

Buôn Ma Thuột với sự trong lành, xanh mát là cảm nhận của không ít người dân và du khách. Đây cũng chính là điểm nhấn khác biệt mà không phải đô thị nào cũng có được. Để làm được điều đó, chính quyền thành phố đã xây dựng, nâng cấp, cải tạo nhiều công viên, hoa viên, tiểu hoa viên nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan, góp phần chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí cho người dân. Trong đó, đặc biệt nhất là công trình nâng cấp cải tạo Công viên TP. Buôn Ma Thuột với tổng mức đầu tư trên 21 tỷ đồng.  Đây là công trình lớn hứa hẹn mang lại sự đổi mới cho thành phố. Hiện công viên vẫn đang trong quá trình cải tạo nhưng nhiều người dân đã bày tỏ phấn khởi khi thấy sự đổi thay tích cực này. Ông Nguyễn Bảo Bình (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Tôi thường xuyên đi bộ tại các công viên. Ngày trước, công viên thành phố nhìn rất tối tăm và cũ kỹ nên tôi chẳng mấy khi đi vào. Hy vọng sau khi tu sửa, công viên sẽ đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người dân như đi bộ, tập thể dục… Đặc biệt là nhìn quang cảnh sẽ sáng sủa, lịch sự và đẹp đẽ hơn”.

Tuyến đường Phan Đình Giót với hai hàng cây xanh và những bức bích họa đã tạo được ấn tượng với nhiều người.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều tuyến đường trong trung tâm thành phố có vỉa hè đã được lát gạch, cải tạo nhằm tránh các loại xe cơ giới lấn vỉa hè, gây mất an toàn cho người đi bộ. Cụ thể: triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của HĐND thành phố về việc thí điểm phương án đầu tư chỉnh trang vỉa hè một số tuyến theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, TP. Buôn Ma Thuột đã phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện 9 dự án trên địa bàn 4 phường: Thống Nhất, Thắng Lợi, Tự An, Tân Tiến. Thành phố đã sử dụng đá tự nhiên để lát hơn 7.600 m2 vỉa hè ở các tuyến phố trung tâm và một số khu vực hoa viên, công viên để tạo điểm nhấn và góp phần chỉnh trang cho đô thị. Những vỉa hè vừa được lát gạch giúp các tuyến đường như được “khoác tấm áo mới”, thêm sạch, đẹp và văn minh hơn. Hoạt động chỉnh trang của thành phố không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn gây được nhiều ấn tượng mạnh với du khách. Chị Nguyễn Triều Châu (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho hay, quay trở lại TP. Buôn Ma Thuột sau gần ba năm, chị cảm thấy bất ngờ khi thành phố đã có nhiều sự đổi thay. Bộ mặt thành phố thêm màu sắc và đầy ấn tượng. Chị thích nhất là con đường Phan Đình Giót có cây xanh rợp mát và có cả những bức tranh bích họa mang đậm bản sắc Tây Nguyên.

Khả Lê - Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.