Thêm thu nhập từ nghề đan móc handmade
Sau khi học các lớp dạy đan móc len, nhiều phụ nữ tại huyện Krông Ana đã có công việc ổn định nhờ làm những sản phẩm thủ công bằng tay (handmade). Đây cũng là “nghề tay trái” của một số chị em để tăng thu nhập cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (thôn Hải Châu, xã Bình Hòa) vốn là người khéo tay. Lúc con gái còn nhỏ, chị thường xuyên đan móc nhiều loại búp bê, thú bông cho con chơi. Những sản phẩm làm cho con gái được chị chụp ảnh lại và đăng lên mạng xã hội. Không ngờ nhiều người lại yêu thích những chú thú bông, búp bê và hỏi mua lại, đặt hàng chị làm. Chị Oanh chia sẻ, chị khá bất ngờ vì nhận được sự yêu thích của mọi người nên từ đó hễ có thời gian rảnh là chị lại đan móc để có thêm thu nhập. Dần dần, số lượng đặt hàng ngày càng lớn, mỗi tháng chị xuất đi hàng nghìn sản phẩm.
Nhân công đang làm việc tại xưởng gia đình chị Nguyễn Thị Kim Oanh (thôn Hải Châu, xã Bình Hòa). |
Để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng lớn, năm 2020 chị Oanh mở xưởng đan móc tại nhà. Hiện xưởng đan móc có 5 nhân công làm toàn bộ thời gian, thực hiện các quy trình lắp ráp thú bông, thêu các chi tiết của sản phẩm. Ngoài ra còn có hơn 10 nhân công khác là những người nội trợ, phụ nữ đang có con nhỏ, làm việc văn phòng… có nhiều thời gian rảnh nhận về nhà làm các khâu đan móc để tăng thêm thu nhập.
Chị Oanh cho biết, những nhân công này là học viên đã học lớp dạy nghề do chị phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana tổ chức. Chị đã mở 4 lớp dạy nghề và đào tạo được hơn 30 học viên lành nghề. “Có nhiều người đi học nhưng không theo nghề, tuy nhiên họ vẫn có thể làm ra những sản phẩm đan móc mà họ yêu thích, coi như đó là một sở thích của bản thân”, chị Oanh cho hay.
Em Lê Thị Thu Hiền (SN 2004, thôn 4, xã Băng Adrênh) đã học nghề đan móc từ chị Oanh cách đây 6 năm. Từ khi còn là học sinh, Hiền đã nhận về nhà làm một số khâu đan móc thú cưng, búp bê. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hiền xin vào làm việc hẳn tại xưởng của chị Oanh, đến nay đã được hai năm. Hiền cho biết, đây là công việc rất thú vị, tạo thêm thu nhập cho mình trong thời gian định hướng bản thân về nghề nghiệp trong tương lai.
Mô hình đan móc handmade mang lại thêm thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ. |
Chị Phạm Thị Út Hiền (thôn Sơn Trà, xã Bình Hòa) chia sẻ: “Tôi phải nấu cơm, đưa đón con cái đi học nên không đi làm cố định thời gian được. Chị Oanh đã tạo điều kiện để tôi rảnh giờ nào là ghé giờ đó làm. Công việc cũng khá đơn giản, hai tháng nay rồi, tôi có thêm thu nhập nhờ công việc này”.
Hiện nay, xưởng của chị Oanh chủ yếu làm các sản phẩm như thú cưng, búp bê và bó hoa. Đan móc len có thể làm ra nhiều sản phẩm hơn nữa, nhưng vì yêu những chú gấu, búp bê nên chị sẽ chỉ theo đuổi các sản phẩm ấy là chính. Mỗi sản phẩm được bán với giá dao động từ 100.000 - 1.000.000 đồng.
Trước hiệu quả mà công việc này mang lại cho phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Hòa đã phối hợp với chị Oanh mở lớp dạy đan móc len. Bà Nguyễn Thị Mau, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Hòa đánh giá, mô hình đan móc len cho phụ nữ nông thôn rất hiệu quả, rất mới. “Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để chị em có việc làm trong thời gian rảnh, tăng thêm thu nhập”, bà Mau nói. Chị Oanh cũng dự định sắp tới sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana, Hội LHPN các xã để mở thêm nhiều lớp dạy về đan móc và nâng cao tay nghề cho phụ nữ trên địa bàn.
Đinh Hằng
Ý kiến bạn đọc