Multimedia Đọc Báo in

Chiến trường H10 ngày trở lại

10:49, 01/05/2023

48 năm sau ngày giải phóng, chiến trường H10 (huyện Lắk) đang dần “thay da đổi thịt”. Thế nhưng đối với những nguyên lãnh đạo tỉnh, ký ức trên mặt trận bom đạn và kinh tế của nơi từng gắn bó vẫn hằn sâu trong tâm trí.

Vẹn nguyên ký ức

Đặt chân lên khu vực Biệt điện Bảo Đại, hồi ức về trận đánh Xuân Mậu Thân 1968, bước ngoặt lớn cho các trận đánh tiến tới đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại “sống dậy” trong đồng chí Tô Tấn Tài (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy).

Đứng trên cao nhìn xuống, chỉ tay về hướng những ngôi nhà khang trang, ông bắt đầu kể lại: Đêm 30 Tết, được giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy chỉ huy trận đánh, ông đã chỉ đạo lực lượng chia làm ba cánh tấn công lên ấp Liên Sơn vào cơ quan đầu não của địch tại toà Công sứ Pháp cũ (nay là Biệt Điện Bảo Đại). Một cánh, bộ đội tập kích hướng những dãy núi sát hồ Lắk. Một hướng, bộ đội đặc công băng qua đầm lầy (nay là hoa viên Trung tâm thị trấn Liên Sơn) đánh vào. Hướng còn lại ông cùng Tỉnh đội trưởng và Tham mưu phó phục kích ở khu vực trên đồi phía Huyện đội ngày nay.

Đồng chí Tô Tấn Tài Nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ kể lại trận đánh Xuân Mậu Thân 1968 tại Biệt điện Bảo Đại.
Đồng chí Tô Tấn Tài, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kể lại trận đánh Xuân Mậu Thân 1968 tại Biệt điện Bảo Đại.

Theo kế hoạch sẽ đánh vào trụ sở địch vào đêm 30 Tết nhưng khi cánh bộ đội tiến gần vào ấp Liên Sơn thì chó sủa. Để không “giật dây động rừng”, bộ đội phục kích tại chỗ, đợi đến tờ mờ sáng, địch lơ là cảnh giác rồi tấn công. Đúng ngày mồng 1 Tết, các chiến sỹ đã đồng loạt đánh vào tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn lực lượng địch, giành quyền làm chủ được nơi này.

“Hồi đó, ai cũng nao nức vừa chuẩn bị ăn Tết, vừa tranh thủ tham gia vào thực hiện Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng, cho nên tinh thần, tâm lý khát khao hòa bình độc lập cao lắm. Dân trong vùng căn cứ sung sướng tham gia mọi mặt công tác”, ông Tài nhớ lại.

Vựa lúa xã Buôn Triết có được như ngày hôm nay là nhờ công khai hoang của các vị nguyên lãnh đạo.
"Mùa vàng" trên cánh đồng lúa xã Buôn Triết. 

Thăm lại cánh đồng 8/4 đang độ chín vàng, ký ức về những ngày tháng cùng cán bộ, người dân ngày đêm khai phá của ông Nguyễn An Vinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy) lại ùa về. Ông kể lại: “Năm 1977, đồng chí Trần Kiên làm Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trương khai hoang vùng Buôn Triết (huyện Lắk), Buôn Trấp (huyện Krông Ana) với diện tích gần 20.000 ha.
Ngày ấy, đồng chí đề nghị đóng cửa cơ quan lại, mang trụ sở xuống dựng lán trại giữa đồng để ban đêm làm việc, ban ngày xắn quần khai hoang. Ăn uống, sinh hoạt kham khổ, công việc nặng nhọc, cộng thêm muỗi, vắt bu bám dày đặc nên tình trạng ốm đau, sốt rét xảy ra thường xuyên. Thế nhưng bản thân ông Kiên vẫn rất gương mẫu, ăn cơm đùm, cơm gói cùng anh em cầm dao phát lau sậy.

Bởi vậy, người dân và cán bộ mới có câu “nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Buôn Triết”. Cánh đồng này cũng gắn với sự kiện ngày 8/4/1977, Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm, để động viên bà con khai hoang, xây dựng công trình thủy lợi đã đặt tên nơi đây là cánh đồng 8/4”.

Mừng vì… ước mơ dang dở đang dần hiện thực hóa

Sau giải phóng, đồng chí Tô Tấn Tài xin tỉnh trở về làm lại Bí thư Huyện ủy nhưng không được cho phép. Bởi vậy, ước mơ học tập kinh nghiệm làm lúa của người Thái Bình và đào ao nuôi cá giúp người dân phát triển kinh tế của ông không được thực hiện. Thế nhưng, sau nhiều năm quay lại, huyện Lắk đã dần “thay da đổi thịt”. Đồng chí bày tỏ niềm vui khi những ấp chiến lược ngày nào còn hoang sơ, dựng bằng nứa tranh nay đã thành nhà cao, cửa rộng. Nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, hệ thống công trình hồ đập thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu được xây dựng kiên cố. Điển hình như con đường nối từ tỉnh lộ 687 trước trung tâm xã Buôn Triết đi thôn Kiến Xương, cầu vượt sông Krông Ana nối Tỉnh lộ 2 với Tỉnh lộ 687 huyện Lắk đã làm thay đổi diện mạo cánh đồng lau lách năm nào. Dọc theo con đường bê tông thẳng tắp ra cánh đồng 8/4, lúa trĩu vàng mênh mông, ông bày tỏ niềm phấn khởi vì Đảng bộ, nhân dân đã nỗ lực thu được “quả ngọt” như ngày hôm nay.

 Hồ Lắk đang được địa phương chú trọng để khai thác phát triển du lịch.
Hồ Lắk đang được địa phương chú trọng để khai thác phát triển du lịch.

Từng gắn bó và công tác tại địa phương hơn 9 năm (giai đoạn 2007-2015), ông Nguyễn Văn Trung (nguyên Bí thư Huyện ủy) luôn trăn trở với việc phát triển du lịch Lắk để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông chia sẻ, thời còn đương nhiệm đã xác định Lắk là một huyện tương đối khó khăn do điểm xuất phát kinh tế thấp nhưng có thế mạnh về du lịch đa dạng như văn hóa, lịch sử, sinh thái.

Tuy nhiên, thời điểm ấy còn khó khăn về nhiều mặt như hạ tầng, thu hút đầu tư, kinh nghiệm làm du lịch nên tốc độ phát triển chậm. Mãi đến nhiệm kỳ cuối, năm 2015, mới bắt đầu có công ty từ TP. Hồ Chí Minh lên ngỏ ý đầu tư, ông chỉ kịp xin cơ chế từ tỉnh cho phép tham gia. Song do về hưu nên còn ước mơ phát triển du lịch địa phương của ông phải gác lại.

Ngày về thăm lại, các vị nguyên lãnh đạo vui mừng vì cánh đồng 8/4  với đầm lầy lau lách đã trở thành vựa lúa lớn của huyện.
Ngày về thăm lại, các vị nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện vui mừng vì cánh đồng 8/4 với đầm lầy lau lách đã trở thành vựa lúa lớn của tỉnh.

Sau hơn 7 năm quay lại, ông vui mừng vì ước mơ của mình đang dần được hiện thực hóa. Du lịch huyện ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng như: công trình đường vào thác Bìm Bịp, dự án ven hồ Lắk, các điểm du lịch cộng đồng tại một số thôn, buôn trên địa bàn huyện được hình thành… Nhận thức của người dân về du lịch ngày càng được nâng cao; nhiều doanh nghiệp trẻ đã chủ động khởi nghiệp kinh doanh như: cơ sở du lịch cộng đồng Y Sol House; Công ty TNHH Du lịch Chư Yang Sin... Đây là những “cú hích” lớn để phát triển du lịch huyện làm kinh tế mũi nhọn cho địa phương trong thời gian tới.

Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, sau ngày giải phóng, đời sống của người dân vẫn còn biết bao khó khăn, vất vả... Song bằng ý chí, nghị lực, sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương và doanh nghiệp, vùng quê nghèo huyện Lắk đang “vươn mình” dần kết “quả ngọt” trong công cuộc đổi mới.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.