Để đẩy lùi bệnh AIDS vào năm 2030: Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS
HIV/AIDS là bệnh do vi rút HIV (Human Immuno – deficiency virus: Vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người) xâm nhập vào cơ thể làm suy yếu hệ miễn dịch của con người. Tuy nhiên, vẫn có không ít người hiểu sai về căn bệnh này, nhầm lẫn HIV với tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cho rằng chỉ có những người xấu xa mới nhiễm HIV/AIDS, từ đó có cái nhìn không mấy thiện cảm và kỳ thị những người có HIV.
Trên thực tế, bất kỳ ai trong chúng ta đều có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Có rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV một cách oan uổng: đó có thể là những người vợ hiền lành vô tình bị nhiễm từ chồng mình; một bác sĩ, điều dưỡng lây nhiễm từ bệnh nhân hay một cán bộ, chiến sĩ công an bị phơi nhiễm khi làm nhiệm vụ, thậm chí có những đứa trẻ vừa mới chào đời cũng có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh thế kỷ này. Thế nhưng dù nhiễm HIV vì bất cứ lý do gì thì các bệnh nhân cũng đều có thể chịu nỗi đau kỳ thị và phân biệt đối xử.
Ảnh minh họa: Internet |
Hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra với các biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị ở nhiều hoàn cảnh khác nhau dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau. Có thể là xì xầm bàn tán, tỏ sự xa lánh, xa cách; biểu hiện thái độ không muốn gần gũi tiếp xúc; nặng nề hơn là sự phân biệt đối xử bằng cách cho người nhiễm nghỉ việc, từ chối cung cấp dịch vụ y tế cho người nhiễm.
Theo các chuyên gia về phòng, chống HIV/AIDS, do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, dẫn đến cán bộ chuyên môn khó có thể gặp, tư vấn về kỹ năng phòng và tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác. Điều đó khiến người nhiễm HIV trở thành quần thể ẩn rất khó tiếp cận, khó có thể tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh, bên cạnh đó vì không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cơ quan chức năng khó xác định được số ca bệnh chính xác, từ đó khó ước tính và dự báo chính xác về tình hình dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thực tế đã có nhiều trường hợp gia đình có người nhiễm HIV xa lánh, làm chòi riêng cho người nhà nhiễm HIV ở trong chòi một mình mà không được ở cùng gia đình. Hay ở cơ quan, nơi làm việc vẫn có tình trạng kỳ thị dẫn đến nhiều trường hợp nhân viên công tác ở các cơ quan, đơn vị không dám đi khám sức khỏe định kỳ do cơ quan tổ chức hằng năm bởi sợ nếu phát hiện dương tính với HIV thì có thể mất việc; một số trường hợp có thể bị từ chối dịch vụ y tế khi biết người bệnh nhiễm HIV.
Đối với những bệnh nhân HIV/AIDS, sự phân biệt kỳ thị từ cộng đồng thậm chí còn khiến họ đau đớn hơn gấp nhiều lần so với nỗi đau do bệnh tật gây ra. Sự kỳ thị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần của người bệnh và những người thân trong gia đình họ. Vì thế, ngăn chặn sự kỳ thị là rất quan trọng để giúp cộng đồng xã hội được an toàn, mạnh khỏe hơn. Để làm được điều này, cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp mọi người hiểu và nhận thức đúng về HIV/AIDS, về những con đường lây truyền HIV, cùng với đó có cái nhìn cảm thông, bao dung hơn với những người nhiễm HIV. Qua đó, bản thân người nhiễm HIV thấy được sự sẻ chia của cộng đồng sẽ có suy nghĩ tích cực và có ích hơn, đây chính là đòn bẩy để tiến dần đến mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95 là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Tuy nhiên, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS đang gây cản trở việc đạt được các mục tiêu này. |
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc