TP. Buôn Ma Thuột: Kiên quyết xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm
Với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, thời gian qua, các ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột phát triển rất mạnh mẽ, luôn thay đổi về số lượng và quy mô kinh doanh; theo đó, đã đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành chức năng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Tăng cường kiểm tra, xử lý
TP. Buôn Ma Thuột hiện đang quản lý 3.260 cơ sở thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý 2.227 cơ sở, ngành nông nghiệp, công thương quản lý 1.033 cơ sở. Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ngành, công tác ATTP trên địa bàn thành phố đã triển khai thực sự đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực.
Kiểm tra nhanh hàn the trong thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 9/5/2016 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo ATTP thành phố và 21 ban chỉ đạo xã, phường. Cùng với đó, UBND thành phố cũng ban hành kế hoạch quản lý nhà nước về ATTP, kế hoạch triển khai các đợt cao điểm về ATTP vào các dịp lễ, Tết...
Song song với triển khai kiểm tra giám sát ATTP định kỳ, TP. Buôn Ma Thuột còn thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành, đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP. Trong năm 2022, thành phố đã thành lập 102 đoàn liên ngành; tổ chức kiểm tra 1.933 cơ sở, qua đó phát hiện 40 cơ sở vi phạm, đã xử phạt hành chính 29 cơ sở với số tiền trên 100 triệu đồng.
Mới đây, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, bảo đảm ATTP phục vụ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND thành phố đã tiến hành kiểm tra gần 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát tại 21 xã, phường. Qua đó, phát hiện 15 cơ sở vi phạm ATTP và xử phạt hành chính 74 triệu đồng.
Đoàn Kiểm tra liên ngành của TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra khâu bảo quản thực phẩm tươi, sống tại một cơ sở kinh doanh. |
Qua kết quả kiểm tra ATTP cho thấy, đa số các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm đã chấp hành tốt các quy định về ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở kinh doanh vẫn thường mắc phải một số lỗi cơ bản như: không có dụng cụ thu gom, chứa đựng nước thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; cống rãnh thoát nước thải khu vực cửa hàng, nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; người trực tiếp chế biến thức ăn không được tập huấn kiến thức ATTP…
Khắc phục khó khăn
Theo bà Hồ Thị Tươi, Phó Trưởng Phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột, dù đã có nhiều cố gắng song công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thực tế cho thấy, kết quả đạt được trong lĩnh vực ATTP chưa cao, chưa bền vững. Các cá nhân, tập thể tham gia sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm chưa nhận thức đầy đủ về Luật ATTP và các quy định về đảm bảo ATTP; một bộ phận người dân buôn bán nhỏ lẻ, quán ăn, thức ăn đường phố và một số hộ nấu rượu thủ công, chăn nuôi manh mún, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ dẫn đến việc quản lý ATTP còn gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ hiện nay chưa thực hiện tốt các quy định về ATTP, giấy công bố tiêu chuẩn sản phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP chưa chủ động đăng ký cấp mới cũng như cấp đổi theo quy định. Kiến thức về ATTP của người trực tiếp chế biến, sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, tình trạng kinh doanh một số loại thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn tồn tại.
Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi cũng đã kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP để nâng cao ý thức cộng đồng”. Bà Hồ Thị Tươi, Phó Trưởng Phòng Y tế TP. Buôn Ma Thuột |
Mặc dù công tác phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố đã được triển khai đồng bộ, phối hợp tốt giữa các cơ quan đơn vị liên quan, song cán bộ làm công tác ATTP tại các đơn vị xã, phường về lĩnh vực công thương, nông nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc nắm bắt các nội dung của ATTP chưa sâu.
Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian qua, TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai kịp thời, đúng quy định công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát. Song song với đó, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kiến thức về ATTP, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP cho người dân; thành lập một Đội điều tra phòng, chống ngộ độc thực phẩm và 21 tổ xử lý ngộ độc thực phẩm tại các xã, phường, đồng thời xây dựng phương án xử lý khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn cũng như kế hoạch phòng, chống ngộ độc thực phẩm hằng năm, tránh bị động trước tình huống phát sinh...
Trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu về thực phẩm an toàn cũng đòi hỏi cao hơn, bên cạnh việc chú trọng công tác quản lý nhà nước về ATTP, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, thực hành về ATTP để chủ động phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo đảm sức khỏe của chính mình và cộng đồng.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc