Multimedia Đọc Báo in

Cần thêm điểm tựa vững chắc cho nhà báo

09:21, 27/06/2023

Thời gian gần đây trên địa bàn Đắk Lắk liên tục xảy ra những vụ việc nhà báo bị đe dọa, cản trở khi tác nghiệp.

Mới đây nhất, ngày 24/5, nhà báo N.V.T., phụ trách Văn phòng đại diện của Báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên bị một số đối tượng gọi điện đe dọa, uy hiếp tính mạng của ông và gia đình. Trước đó, nhà báo N.V.T. đã triển khai tuyến bài liên quan đến việc mua bán đất nông nghiệp trái phép xảy ra trên địa bàn xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) để thi công một số tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trước đó không lâu, vào trưa 30/4, khi đi công việc bên ngoài về nhà, nhà báo T.T., phóng viên Báo Tuổi Trẻ phát hiện chiếc xe ô tô của gia đình bị kẻ lạ tạt sơn kín nóc và đuôi xe. Theo ông T., cá nhân ông không có mâu thuẫn, xích mích với ai và không rõ lý do vì sao xe của gia đình ông lại bị kẻ gian tạt sơn. Về công việc, trên Báo Tuổi Trẻ, gần đây ông T. có một số bài viết liên quan đến những hành vi sai phạm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như: việc xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng trái phép ở Đồi Chuối (phường Tân Lợi); xây dựng trại ngựa ở xã Cư Êbur; vụ hủy hoại đất, phá rừng ở Buôn Kom Leo (xã Hòa Thắng).

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc nhà báo bị đe dọa, cản trở khi tác nghiệp. Ngay như bản thân người viết bài này cũng đã từng phải “tiếp” một số người lạ đến tận nhà “nói chuyện” sau khi có bài viết về tình trạng “hô biến” xe ô tô cũ nát của một số garage ô tô và cửa hàng bán xe ô tô cũ để tuồn ra thị trường. Hành vi đe dọa của các đối tượng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống của nhà báo cũng như gia đình, bởi không thể loại trừ khả năng các đối tượng sẽ tìm cách trả thù cá nhân.

Tình trạng trên cho thấy, việc cản trở, hành hung nhà báo khi tác nghiệp vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trên thực tế, những vụ hành hung, đe dọa, gây áp lực lên nhà báo ngày càng có chiều hướng gia tăng, hình thức, “chiêu trò” ngày càng tinh vi, nhất là khi họ tiến hành điều tra, phanh phui các vụ việc tiêu cực, bất thường. Mặc dù đã có sự vào cuộc của Hội Nhà báo các cấp, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, nhưng nhiều vụ “khủng bố” nhà báo không được xử lý đến cùng (thường chỉ xử lý hành chính hoặc rơi vào quên lãng, không tìm ra thủ phạm), khiến tình trạng này không những không được ngăn chặn, mà ngày càng táo tợn, manh động hơn.

Nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện tại Đắk Lắk.

Trong khi đó, để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo, đồng thời cảnh báo, răn đe các đối tượng cản trở, uy hiếp nhà báo khi tác nghiệp, hệ thống chế tài đã được xây dựng khá hoàn chỉnh. Đặc biệt, Luật Báo chí quy định rất rõ: “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Thế nhưng có vẻ như sự thờ ơ, sự vào cuộc một cách đối phó, thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc tiêu cực khiến những kẻ vi phạm coi thường dư luận, bất chấp pháp luật.

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Và cần phải khẳng định rằng, báo chí là một trong những lực lượng đi đầu, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó giữ vững, củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Để có những tác phẩm báo chí đi vào lòng người, phát huy hết những giá trị của nó là cả một hành trình vất vả, mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả sự đổ máu của nhà báo. Với những nhà báo “có lửa”, họ sẵn sàng dấn thân vào thực tế, đeo bám, phanh phui đến cùng các vụ việc tiêu cực trước công luận. Trong khi đó, những kẻ liên quan thường bất chấp các quy định của pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi che đậy, bưng bít sự thật. Vì vậy, nếu không có giải pháp quyết liệt nhằm bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp, sẽ làm giảm nhiệt huyết của đội ngũ những người làm báo và cơ quan báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Dù trong hoàn cảnh nào, nhà báo rất cần một điểm tựa vững chắc để họ yên tâm tác nghiệp.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.