Multimedia Đọc Báo in

Nhà báo, số hóa, và sự thật

09:55, 27/06/2022

Một nhà báo lão thành từng hỏi tôi: Phẩm chất mới của nhà báo hôm nay là gì? Câu hỏi này nếu được các nhà nghiên cứu báo chí trả lời thì sẽ thấu đáo hơn.

Người làm báo chúng ta quanh năm cặm cụi với công việc, ít khi tự đặt ra những câu hỏi mang tính lý luận như thế. Nhưng trong những ngày kỷ niệm nghề nghiệp, cũng nên tạm dừng bút để suy ngẫm về nghề báo, nhất là trong bối cảnh đời sống đã thay đổi quá nhiều, báo chí cũng đã chuyển đổi rất nhanh, và nhà báo hôm nay cũng đã rất mới. Mới hơn rất nhiều, nhưng là cái mới của phẩm chất hay chỉ là cái mới của công nghệ, kỹ thuật, của máy móc hiện đại?

 Sách lý luận về báo chí đã đúc kết về những phẩm chất cần có của nhà báo, đó là phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, và lối sống (tức là phẩm chất văn hóa). Chính trị, đạo đức, văn hóa - những phạm trù lớn bao trùm tất cả, từ tư duy cho đến kỹ năng, từ suy nghĩ cho đến hành vi của nhà báo. Đó là những phẩm chất mang tính nền tảng. Nhà báo hôm nay không chỉ phải có phẩm chất đó, mà còn phải có những phẩm chất mới.

Phẩm chất mới của nhà báo hôm nay là sự nhanh nhạy tiếp cận và nhanh chóng tiếp nhận cái mới của nghề báo. Cái mới đó là cuộc chuyển đổi số của báo chí, với công nghệ số, kỹ thuật số, thiết bị số... Nhân loại đã chuyển qua kỷ nguyên số. Cuộc sống bây giờ là cuộc sống số. Báo chí - truyền thông tất nhiên là một trong những lĩnh vực phải chuyển đổi số sớm nhất. Bởi vì, công chúng - độc giả cũng đã chuyển đổi số. Là người định hướng cho công chúng, nhưng trong cuộc số hóa này, chính báo chí đã được công chúng định hướng. Khi số đông công chúng không muốn đọc báo trên giấy, xem truyền hình trên nữa tivi nữa, mà chỉ muốn đọc và xem mọi thứ trên chiếc điện thoại thông minh (smartphone) tiện dụng, thì báo chí đương nhiên phải nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu văn minh và chính đáng đó.

Cuộc chuyển đổi số của báo chí đầu tiên là số hóa phương thức viết báo, làm báo, sản xuất báo. Cho đến nay, hầu như mọi sản phẩm báo chí ở Việt Nam đều đã được sản xuất bằng thiết bị số (máy ảnh số, camera số, máy tính với phần mềm chuyên dụng thiết kế báo, dàn dựng chương trình phát thanh, truyền hình số, máy in, máy phát kỹ thuật số...). Việc thay đổi cách thức làm báo đã làm thay đổi tư duy báo chí. Nhà báo bây giờ, khi suy ngẫm đề tài để chuẩn bị cho một tác phẩm báo chí, thì trước mắt họ là màn hình laptop, máy tính bảng, chứ không phải là một trang giấy. Và tiếp theo, hiện ra trong đầu họ là hình ảnh một người đọc đang cầm cái máy điện thoại để đọc bài báo đó.

Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Chuyển đổi số báo chí, từ ngữ nghe có vẻ “chữ nghĩa thời thượng”, nhưng thực tế thì rất giản đơn mà một bác xích lô cũng đã làm được. Đạp xe đến bên vỉa hè quán cà phê có phát wifi, mở cái điện thoại thông minh quẹt một cái để coi báo vừa đăng tin gì mới, coi truyền hình bình luận gì về trận bóng của U23 Việt Nam đêm qua. Chuyển đổi số báo chí sẽ còn nhiều mới lạ hơn nữa, chẳng hạn như MC (người dẫn chương trình) ảo, robot (người máy) viết tin, bài. Đó là công nghệ ảo AI - trí tuệ nhân tạo - được ứng dụng để sản xuất tác phẩm báo chí. Báo chí ở Mỹ và châu Âu đã thử nghiệm cho robot phóng viên (phần mềm viết tin) viết thay cho các phóng viên, và kết quả bước đầu cho thấy “OK”. Thậm chí, phần mềm Wordsmith đã giúp hãng thông tấn AP (Mỹ) sản xuất gần 4.300 tin, bài/quý, gấp 14 lần lượng sản phẩm do cả một đội phóng viên, biên tập viên sản xuất trong cùng một khoảng thời gian.

Với phần mềm AIClip, bạn có thể sản xuất một bản tin truyền hình rất chuyên nghiệp mà không cần sử dụng MC ghi hình tại trường quay, lại thoải mái lựa chọn MC trong một dàn MC ảo với nhiều phong cách, trang phục và giọng đọc đủ các vùng miền. Ở Việt Nam, một số chương trình truyền hình cũng đã thử nghiệm ứng dụng phần mềm MC ảo. Với tốc độ phát triển quá nhanh của công nghệ số, sẽ còn rất nhiều công nghệ mới lạ ra đời, làm thay đổi một cách ngoạn mục đời sống báo chí thế giới.

Nhưng, cho dù cuộc cách mạng công nghệ có làm thay đổi đời sống và đưa báo chí phát triển đến mức siêu việt, thì cũng không rời khỏi sứ mệnh mà nó đã được xã hội giao phó từ khi mới ra đời, hơn 400 năm trước (năm 1605, tờ báo đầu tiên ra đời, bằng tiếng Đức, tên là “Relation aller Fürnemmen und gedenckwürdigen Historien”, phát hành năm 1605 ở Strassburg nay thuộc Pháp). Sứ mệnh muôn đời của báo chí vẫn là người đưa tin để dẫn đường đi đến sự thật. Bản tin được con người hay robot viết cũng luôn phải tuân thủ nguyên tắc: khách quan và chính xác.

Cái gì đăng trên báo thì phải chính xác. Đó là quy định mặc nhiên, không phải của Luật Báo chí Việt Nam mà là luật báo chí của cả thế giới. Muốn chính xác thì phải khách quan, phải khách quan thì mới chính xác. Báo chí muôn đời vẫn thế!

Chuyển đổi số, chỉ là thay đổi cách thức truyền dẫn thông tin mà thôi. Còn cốt lõi của thông tin vẫn là sự thật. Mà sự thật thì muôn đời vẫn là sự thật!

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.