Động lực mới từ tinh thần nhiệt huyết, xung kích
Thực hiện và làm theo Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, vượt khó, tận tụy, tâm huyết với công việc.
Nhiều chiến sĩ thi đua, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến với những cách làm hay, kinh nghiệm tốt đã tạo động lực mới, khí thế mới, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Doanh nghiệp cùng nông dân chuyển đổi số nông nghiệp
Sau hơn 7 năm xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, năm 2020 chị Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản N&H (TP. Buôn Ma Thuột) quyết định trở về mảnh đất Krông Pắc, dồn sức xây dựng vùng nguyên liệu nông sản chất lượng cao ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên.
Chị Nguyễn Thị Hường (bên phải) giới thiệu về quy trình sản xuất lúa đen hữu cơ trên cánh đồng xã Vụ Bổn. Ảnh: Đ. Nga |
Nhận thức rõ khâu yếu nhất trong liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản chính là việc tuân thủ cam kết của nông dân với doanh nghiệp, chị Hường tập trung vào việc thay đổi nhận thức, thói quen canh tác của nông dân dựa vào các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngay khi vừa thành lập, chị đã đầu tư máy bay nông nghiệp để phục vụ các khâu canh tác sầu riêng. Thay vì dùng sức người, máy bay nông nghiệp đảm nhiệm hầu hết các khâu phun thuốc phòng, trị sâu bệnh, bổ sung dinh dưỡng qua lá cho sầu riêng với hiệu quả sử dụng các chế phẩm cao, giúp tiết kiệm đến 30% lượng phân, thuốc và 70% chi phí nhân công, thời gian. Việc ứng dụng máy bay cũng giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giám sát quy trình sản xuất, bảo đảm tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP trên những diện tích đã được chứng nhận, định hướng xây dựng các vườn sầu riêng hữu cơ theo yêu cầu của thị trường.
Từ thành công với cây sầu riêng, năm 2022, chị mạnh dạn liên kết với nông dân, hỗ trợ thành lập hợp tác xã để xây dựng vùng lúa đen hữu cơ cho xã vùng III Vụ Bổn. Bên cạnh các khâu cơ giới hóa sản xuất thông thường, chị còn trang bị thêm một máy bay nông nghiệp đảm nhiệm khâu rải lúa giống, phòng trừ sâu bệnh. Chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, doanh nghiệp cùng nông dân có thể kiểm soát tốt nhất mật độ lúa giống, lượng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trên một diện tích cánh đồng rộng lớn. Nhờ việc ứng dụng quy trình hữu cơ và công nghệ hiện đại, vụ đông xuân vừa qua, nông dân liên kết với công ty đã thu về lợi nhuận tăng thêm đến 30% so với canh tác truyền thống.
Bên cạnh nỗ lực xây dựng vùng trồng, chị Hường còn phát triển chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, tìm hướng đi lâu dài cho nông sản địa phương. Đến nay, chị đã phát triển hàng chục sản phẩm tinh chế tiện dụng như sầu riêng sấy thăng hoa, trà gạo lứt đen thảo mộc, rượu vang, phở gạo lứt đen… Tất cả sản phẩm đều được xây dựng đồng nhất về bộ nhận diện thương hiệu với các câu chuyện của nông sản Krông Pắc, có tem QR truy xuất nguồn gốc. Những sản phẩm mang đậm tâm huyết của chị Hường không chỉ "phủ sóng" rộng rãi trên toàn quốc mà đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như: Nhật, Mỹ, Anh, Hà Lan… qua con đường tiểu ngạch.
Chị Hường vẫn tiếp tục nuôi giấc mơ đưa nông sản Krông Pắc đi con đường chính ngạch với dự định lắp đặt hệ thống sinh trắc tự động, camera tại vườn để công khai quy trình canh tác, khẳng định uy tín với đối tác nước ngoài, tiến tới đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.
Nữ nhà giáo “đa tài”
Tâm huyết, sáng tạo và luôn gương mẫu ở bất cứ vai trò nào là những lời nhận xét mà Ban giám hiệu cũng như tập thể giáo viên, nhân viên và bao thế hệ học sinh của Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột) dành cho cô Huỳnh Ánh Hồng, nữ nhà giáo “đa tài” ở nhiều vị trí khác nhau.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột Huỳnh Ánh Hồng. Ảnh: D. Tiến |
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh (Trường Đại học Ngoại ngữ Huế), cô Huỳnh Ánh Hồng làm phiên dịch viên trong khoảng thời gian hai năm với mức lương không hề thấp vào thời điểm đó. Song, niềm đam mê nghề giáo với mong muốn truyền tải những kiến thức đã được đào tạo đến các em học sinh đã thôi thúc cô Hồng về giảng dạy tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ). Đến năm 2003, cô Hồng được điều chuyển về giảng dạy, công tác tại Trường THPT Buôn Ma Thuột từ đó cho đến nay. Tháng 5/2015, cô Hồng được đề bạt giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột phụ trách các hoạt động dạy và học của nhà trường; tháng 4/2023, cô được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Ngoài ra, cô Hồng còn tham gia Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026; giữ cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học Trường THPT Buôn Ma Thuột…
Hơn 21 năm gắn bó với nghề giáo, từ giáo viên trực tiếp đứng lớp, cán bộ quản lý chuyên môn, công tác đảng, công tác xã hội cho tới vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình… cô Hồng đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong công tác giảng dạy, hiện tại cô vẫn trực tiếp đứng lớp với tần suất 4 tiết/tuần; bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi Olympic truyền thống 10/3, 30/4, học sinh giỏi quốc gia THPT của tỉnh và đạt được nhiều huy chương; làm giám khảo kỳ thi giáo viên dạy giỏi và học sinh giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm liền; tham gia dạy học trên truyền hình trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; là Thư ký Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 10, lớp 11 cấp tỉnh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; nhiều năm liền tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và đạt giải A cấp tỉnh…
Bằng tâm huyết với nghề, sự năng nổ, sáng tạo trong công việc, cô Huỳnh Ánh Hồng đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng.
Làm hết việc, không hết giờ
Công tác tại Sở Tư pháp từ năm 1999, trải qua nhiều vị trí công việc như phụ trách công nghệ thông tin, công chứng, văn phòng, năm 2012 anh Trương Mã Long được bổ nhiệm chức danh Phó Trưởng Phòng Lý lịch tư pháp, rồi Phó Trưởng Phòng Hành chính tư pháp, sau đó là Phó Trưởng Phòng Hành chính - Bổ trợ tư pháp từ năm 2021 đến nay.
Sau khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, đầu năm 2021, anh Long được cơ quan cử sang thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp tại đây. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, anh Long trực tiếp hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ của các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hành chính và bổ trợ tư pháp.
Anh Trương Mã Long, Phó Trưởng Phòng Hành chính - Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp) tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính của công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: N. Xuân |
Với 120 thủ tục hành chính, trong đó có nhiều thủ tục hành chính phức tạp, nhiều thành phần hồ sơ, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, giảm bớt phiền hà, thời gian đi lại, anh Long đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, quy định, chế độ, chính sách mới nhằm hướng dẫn cụ thể cho công dân, tổ chức. Để có thể tiếp nhận, phân loại khoảng 100 hồ sơ mỗi ngày, anh Long không quản ngại làm việc ngoài giờ hành chính cả buổi trưa và chiều tối với tâm niệm “làm hết việc, không hết giờ”. Những hồ sơ được tiếp nhận, anh Long đều phân loại theo lĩnh vực, chuyển về phòng chuyên môn của Sở Tư pháp để tham mưu, giải quyết và trả thủ tục hành chính đúng thời gian quy định.
Để cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 cho công dân kịp thời, phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, anh Long tích cực tìm hiểu, sử dụng thành thạo ba phần mềm quản lý văn bản của tỉnh và Bộ Tư pháp; hướng dẫn cho công dân kê khai hồ sơ trực tuyến, nộp và trả kết quả qua bưu điện.
Mặc dù số lượng hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, phân loại, tham mưu giải quyết nhiều, trung bình khoảng 20.000 hồ sơ mỗi năm nhưng anh Long luôn sắp xếp công việc khoa học để làm “tròn vai” của một lãnh đạo phòng. Anh đã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, tính từ tháng 7/2010 đến nay, đã thiết lập được 29.443 mã hồ sơ lý lịch tư pháp của những trường hợp có án tích. Nhờ vậy, đã góp phần thực hiện tốt công tác quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh và đưa Luật Lý lịch tư pháp vào cuộc sống.
Chú bộ đội của buôn làng
Công tác tại huyện vùng biên Ea Súp, đầu năm 2022, Đại úy Phan Lê Anh được phân công về nhận nhiệm vụ mới - Chính trị viên Đại đội Kho vũ khí - đạn (Phòng Kỹ thuật).
Vốn năng nổ, trách nhiệm trong công việc, chỉ trong thời gian ngắn, Đại úy Phan Lê Anh đã nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tế, triển khai nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả. Đặc biệt, anh đã sâu sát địa bàn, phối hợp triển khai nhiều hoạt động hướng về cơ sở.
Đại úy Phan Lê Anh (bìa trái) cùng đồng đội tham gia tặng quà thiếu nhi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: S. Quỳnh |
Anh chia sẻ: Nơi đơn vị đóng quân là các buôn Ea Đrai và Ea Đrai A (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) còn rất nghèo khó, chủ yếu đồng bào dân tộc Êđê sinh sống. Chăm lo cho bà con, Đại đội Kho vũ khí - đạn đã phối hợp, trích quỹ tăng gia tổ chức nhiều chương trình cho mọi đối tượng, lứa tuổi.
Dành nhiều yêu thương cho thiếu nhi, Đại đội Kho vũ khí - đạn đã phối hợp xây dựng sân chơi cho em trị giá 15 triệu đồng; bộ đội tặng đèn bàn, hàng trăm cuốn sách vở cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Vào mỗi dịp Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Đại đội đều phối hợp tổ chức cắt tóc miễn phí, giao lưu văn nghệ, tặng quà cho trẻ em các buôn làng. Trên trục đường chính ở địa bàn buôn Ea Đai đã xuống cấp, không có điện chiếu sáng, đơn vị đã phối hợp kêu gọi, vận động với tổng kinh phí hơn 26 triệu đồng để hoàn thành công trình “Thắp sáng đường quê” có chiều dài khoảng 1 km giúp người dân lưu thông thuận tiện, an toàn.
Tiếp tục chăm lo cho bà con, đơn vị đã khảo sát và dự kiến sẽ sửa nhà ở cho bà H’Bư Mlô neo đơn; trao 12 con dê giống tặng 6 gia đình quân nhân xuất ngũ có hoàn cảnh khó khăn…
Đinh Nga - Duy Tiến - Nguyễn Xuân - Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc