Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Hòa Phong

08:29, 15/06/2023

Xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) có 12 thôn, buôn với 2.206 hộ, 9.976 nhân khẩu, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm 57%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 38,44%, tỷ lệ hộ cận nghèo 15%.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ xã Hòa Phong 78,7 tỷ đồng cùng với sự đóng góp của người dân bằng hiện vật, ngày công trị giá gần 2,2 tỷ đồng, hiến 13.300 m2 đất để xây dựng trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sửa chữa đường giao thông nội đồng trên địa bàn và hỗ trợ cải thiện nhà ở...

Cùng với đó, xã cũng tích cực kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia liên kết sản xuất với bà con, luân phiên cây trồng 3 vụ/năm (thông thường vụ đông xuân người dân chỉ cấy lúa còn diện tích đất cạn bỏ không).

Nhờ vậy, người dân trên địa bàn xã đã có sự chuyển biến về nhận thức trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một số hộ dân đã mạnh dạn tham gia dự án và đầu tư trồng cây thuốc lá, cây ngô giống bố mẹ (F1), chăn nuôi theo hướng trang trại…

Một mô hình chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất bạc màu tại xã Hòa Phong.

Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới tại xã Hòa Phong vẫn đang vấp phải nhiều trở ngại, thách thức. Ông Nguyễn Nguyên Đồng, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong trăn trở: “Muốn vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nhưng đất đai manh mún, bạc màu, đường sá đi lại khó khăn, mưa lũ gây sạt lở, thiếu thông tin về thị trường. Trong khi đó, trình độ dân trí chưa cao, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đối với nông dân cũng như triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gặp nhiều khó khăn. Do địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, việc kêu gọi thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế”...

Đến nay, xã Hòa Phong mới hoàn thành 13/19 tiêu chí nông thôn mới (chỉ tăng 3 tiêu chí so với năm 2015); những tiêu chí còn lại rất khó đạt gồm: thu nhập, giảm nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… Trước đó, theo lộ trình của huyện, Hòa Phong được chọn là một trong hai xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020; tuy nhiên, đến năm 2016, có nhiều tiêu chí đạt rất thấp, xã “rơi” xuống vùng III nên huyện phải điều chỉnh kế hoạch sang địa phương khác.

Xã Hòa Phong tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang.

Bộn bề khó khăn song cấp ủy, chính quyền xã Hòa Phong đã thể hiện quyết tâm về đích nông thôn mới theo lộ trình của huyện trong giai đoạn 2025 - 2030.

Thời gian tới, tất cả các thôn, buôn vào cuộc quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt là công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện các tiêu chí thuộc phần việc chủ động của người dân như: Vệ sinh môi trường, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo dục, lao động việc làm, mô hình sản xuất. Tiếp tục thực hiện liên kết trong sản xuất chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập cho nhân dân. Khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tăng cường lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn. Đảm bảo quốc phòng an ninh, ổn định tình hình an ninh trật tự - xã hội trên địa bàn xã...

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.