Multimedia Đọc Báo in

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022:

Chủ động, bổ sung các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình

08:16, 28/06/2023

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, Luật  Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) năm 2022 với nhiều điểm mới, tăng tính chủ động phòng ngừa, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho PCBLGĐ để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về PCBLGĐ hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả…

Giải quyết những bất cập, nhức nhối từ thực tiễn

Sau 15 năm thực hiện, Luật PCBLGĐ năm 2007 đã tạo chuyển biến tích cực trong việc giải quyết bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2009 – 2021, các địa phương trong cả nước phát hiện được 324.641 vụ bạo lực gia đình. Trong khi đó, điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019 và công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Còn nghiên cứu về bạo lực gia đình do Viện Nghiên cứu gia đình và giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng, 69% trẻ em được hỏi cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức như: đánh, đấm, đạp, tát… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực.

Bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do các quy định, chính sách trong Luật PCBLGĐ năm 2007 còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay. Luật  PCBLGĐ năm 2022 ra đời nhằm khắc phục những bất cập từ thực tiễn thi hành luật năm 2007. Đó là làm rõ nội hàm, giải thích rõ các khái niệm sử dụng trong luật để việc nhận diện được đầy đủ các hành vi bạo lực gia đình. Các quy định về phòng ngừa bạo lực mang tính chủ động, bảo đảm tính liên tục, kịp thời và hiệu quả của việc ngăn chặn, xử lý…

Gia đình hạnh phúc là một trong những nền tảng xây dựng xã hội phát triển.

Hoàn thiện thể chế về phòng, chống bạo lực gia đình

Luật  PCBLGĐ năm 2022 được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2022 (thay thế cho luật năm 2007) nhằm hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Gồm 6 chương, 56 điều, Luật năm 2022 quy định cụ thể về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong PCBLGĐ; điều kiện bảo đảm PCBLGĐ; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong PCBLGĐ. Trong đó, thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng thể hiện tại các quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục, tư vấn, hòa giải, tiếp nhận tin báo, tố giác…; bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong PCBLGĐ cũng như khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ…

Bên cạnh đó, Luật PCBLGĐ năm 2022 còn nhấn mạnh “bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em” và bổ sung, quy định rõ thêm các đối tượng ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích gồm: phụ nữ mang thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không chỉ là phụ nữ chung chung như hiện nay), người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc… Như vậy, hiện nay, cả trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi đều là đối tượng được ưu tiên bảo vệ quyền lợi khi gặp phải hành vi bạo lực gia đình.

Việc ban hành Luật PCBLGĐ năm 2022 để thay thế cho luật năm 2007 nhằm hoàn thiện thể chế về công tác PCBLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.