Multimedia Đọc Báo in

Nhà báo - Người đưa tin sự thật!

07:35, 27/06/2023

Báo chí là loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy có thương hiệu báo chí, và báo chí phải nỗ lực xây dựng thương hiệu.

Trong đời sống hiện nay, thông tin đã trở thành nhu yếu phẩm của nhiều người; không chỉ thế, thông tin còn là một loại nguyên liệu để sản xuất hàng hóa và dịch vụ, là công cụ để quảng cáo sản phẩm, để bán hàng, để xây dựng thương hiệu và đó cũng là một loại vốn cho nhà đầu tư. Vì vậy, người ta mới bỏ tiền để mua báo, xem truyền hình; doanh nghiệp bỏ tiền để quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu, trên báo chí. Báo chí và truyền thông đã là một ngành kinh tế tạo ra nguồn thu lớn cho các quốc gia.

Ở Việt Nam, Nhà nước cũng đã xác định báo chí là hàng hóa, nhưng là một loại hàng hóa đặc biệt. Đặc biệt là vì tính chất của loại hàng hóa này không thuần túy chỉ để thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần thông thường như cơm, áo, nhà, xe, thuốc men, vui chơi, giải trí… Báo chí, truyền thông nói chung là loại hàng hóa đáp ứng các nhu cầu về tư tưởng, văn hóa, lối sống, đạo đức của con người và xã hội.

Sức lao động của con người cũng là một loại hàng hóa và là hàng hóa đặc biệt. Đặc biệt là vì chỉ bán quyền sử dụng, không bán quyền sở hữu; chỉ bán có thời hạn, không bán vĩnh viễn. Nhưng sức lao động của nhà báo lại khác, không phải là hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt. Cầu thủ bóng đá được định giá cụ thể để mua bán, chuyển nhượng, và giá cũng tăng giảm theo thị trường. Nhưng nhà báo viết về bóng đá lại không phải là món hàng, để có thể mua bán, chuyển nhượng. Bởi vì, lao động của nhà báo là hoạt động chính trị, dù nhà báo viết về bóng đá, thể thao, giải trí… tưởng như không liên quan gì đến chính trị. Tính chất đặc biệt của báo chí là như vậy.

“Nghề báo là nghề vô giá. Xin đừng để ai ngã giá nghề của mình!” - nhà báo Trường Kiên, một cây bút sắc sảo của Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh thập niên 1990 đã trả lời phỏng vấn của VTV như vậy. Báo chí là hàng hóa, nhưng nhà báo không bao giờ là hàng hóa. Xin đừng mua bán sự khách quan, trung thực của nghề này!

Các nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Hoàng Gia

Báo chí là hàng hóa, vì vậy mỗi cơ quan báo chí là một thương hiệu. Tờ báo, đài phát thanh, kênh truyền hình là những thương hiệu báo chí. Đã có người dùng thuật ngữ thương hiệu để nói đến những nhà báo có uy tín cao về chuyên môn lẫn đạo đức nghề báo. “Ông ấy là một nhà báo có thương hiệu!”. Hoặc bàn về việc nâng cao giá trị nhà báo, thì gọi là giải pháp nâng cao “thương hiệu nhà báo”. Có tờ báo thận trọng hơn, dùng chữ “thương hiệu” trong ngoặc kép để nói đến một nhà báo danh tiếng, như là một cách tạm mượn từ ngữ của kinh tế để ví von một hoạt động chính trị.

Như đã nói ở trên, hoạt động của nhà báo là một hoạt động chính trị. Tác phẩm của nhà báo góp phần hướng dẫn dư luận xã hội, định hướng tư tưởng và hành vi con người. Nếu chính trị là “quyền lực cứng” thì báo chí là “quyền lực mềm”. Tác động của báo chí đến con người và xã hội, đến chính trị và chính khách, đến văn hóa và đạo đức, rõ ràng là khác hẳn với tác động của kinh tế. Vì thế, nên chăng dùng từ “danh hiệu” (chứ không phải thương hiệu) để nói về những cá nhân tài giỏi, uy tín cao, trong lĩnh vực báo chí, như đã dùng từ ngữ phù hợp đó trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nghệ thuật.

Nhìn ở góc độ kinh tế, cơ quan báo chí như là một doanh nghiệp, nhưng nhà báo lại không phải là một doanh nhân. Báo chí cần xây dựng thương hiệu và phát triển không ngừng thành thương hiệu mạnh. Nhà báo cần xây dựng danh hiệu cho mình, cũng như doanh nhân xây dựng thương hiệu cho cá nhân. Và danh hiệu cao quý nhất của nhà báo muôn đời vẫn là: Người đưa tin sự thật!

Minh Tự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.