Những nẻo đường tác nghiệp
Nghề báo là nghề của những chuyến đi. Mỗi chuyến đi cơ sở tác nghiệp của phóng viên là một trải nghiệm mới, là kỷ niệm đáng nhớ, thậm chí là cả những hiểm nguy.
Con đường tác nghiệp của phóng viên không phải là con đường “trải thảm”, nó càng gian nan hơn đối với phái nữ. Là phóng viên đam mê và bị “cuốn” với những vấn đề thời sự, gần 15 năm gắn bó với nghề báo để lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc.
Còn nhớ, chuyến tác nghiệp với một đồng nghiệp cơ quan vào cuối tháng 3/2023 về xã Nam Ka (huyện Lắk) để phản ánh tình trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông. Vượt qua quãng đường hơn 80 km từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi tìm đến buôn Krái, xã Nam Ka, cảnh tượng trước mắt là tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng. Ngay khu vực sạt lở, một con tàu đang hút cát ở lòng sông như chốn không người. Dọc sông Krông Nô, chúng tôi cảm nhận được sự rung lắc, chuyển động của nền đất do bờ sông đang có dấu hiệu sạt lở. Di chuyển đến cách con tàu đang hút cát chừng 500 m, chúng tôi thấy cây trồng của các hộ dân đang cheo leo bên bờ sông, cho thấy khu vực này mới bị sạt lở chỉ cách thời điểm đó ít ngày...
Phóng viên Báo Đắk Lắk tác nghiệp ở khu vực sạt lở bờ sông đoạn qua xã Nam Ka (huyện Lắk). |
Sau loạt bài “Sạt lở bờ sông – Vì đâu nên nỗi?”, UBND tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát gây sạt lở trên các bờ sông qua địa bàn tỉnh, nhất là ở các “điểm nóng”. Vất vả, nguy hiểm, nhưng đổi lại đó là niềm vui của tôi và đồng nghiệp sau mỗi chuyến về cơ sở.
Trong những chuyến đi cơ sở, không ít lần bản thân phải đối mặt với nguy hiểm. Còn nhớ vào đầu năm 2022, từ thông tin người dân cung cấp, tôi tìm đến xã Ea Na (huyện Krông Ana) để tìm hiểu tình trạng xe chở quá tải lưu thông trên tuyến đường liên thôn. Tôi đi dọc theo tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 2 vào bến cát Quỳnh Ngọc, lúc quay xe ra thì bất ngờ có hai người lạ xăm trổ đầy mình chặn xe, yêu cầu đưa điện thoại để kiểm tra hình ảnh. Trời chập choạng tối, tuyến đường lại vắng người, tôi vẫn bình tĩnh nói chuyện như một hình thức để câu giờ. Trong khoảng thời gian đó, tôi không quên nhận dạng người lạ, nhìn biển số xe để liên hệ với cơ quan công an, chính quyền sở tại can thiệp. Sau khoảng nửa giờ, khi không có căn cứ để yêu cầu tôi cung cấp hình ảnh, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của công an địa phương, hai người lạ tự rời đi.
Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Hoàng Gia |
Những kỷ niệm buồn, vui, hiểm nguy trong nghề báo khó mà kể hết. Không vui sao được khi sau mỗi trang viết, những bức xúc, nỗi niềm của người dân được giải tỏa, những nhu cầu bức thiết về một con đường, một cây cầu ở thôn, buôn, tổ dân phố được Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng… Cũng từ những chuyến đi cơ sở giúp tôi cảm nhận được rõ hơn những vất vả, khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân, hay những giáo viên, người giữ rừng ở xã vùng sâu, vùng xa. Chỉ mong rằng, mỗi tác phẩm báo chí ra đời sẽ nhận được những phản hồi từ cơ sở, từ người dân, nhân vật về sự thay đổi tích cực, góp phần nào đó trong việc dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đó vừa là niềm vui, là phần thưởng quý giá nhất, vừa là động lực để nhà báo tiếp tục cố gắng, cống hiến và “say” với nghề.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc