Multimedia Đọc Báo in

“Nợ” của nhà báo

10:55, 27/06/2023

Cuộc sống chẳng ai thích nợ, mà nợ ở phần nhiều các góc độ suy xét, ấy là đang túng thiếu thậm chí nghèo khó. Nhưng với nhà báo thì càng… nợ nhiều, điều đó có nghĩa là nhà báo càng… giàu có. Cái sự giàu có ở đây là về tư duy đề tài, ý tưởng, về tình yêu với nghề, sâu sát gắn bó với cơ sở.

Ngày mới chân ướt chân ráo vào nghề, thấy các anh chị đồng nghiệp đi tác nghiệp, xa xôi, vất vả, khó khăn mấy, nếu được, tôi cũng xin đi theo.

Đi rồi mới thấy nhà báo cũng như anh thợ đụng, đụng lĩnh vực nào cũng phải học, tìm hiểu để nắm bắt và viết. Và rồi cũng thấy nhà báo như anh thợ dệt, trong tầng tầng lớp lớp thông tin đi khai thác, từ thực tế phỏng vấn, ghi chép đến tài liệu báo cáo, ghi âm, ghi hình, khi tư liệu đã tương đối, mới ngẫm nghĩ, tìm hướng sâu chuỗi để thể hiện thành tác phẩm bảo đảm tiêu chí đúng, trúng, hay và thuyết phục.

Phóng viên, nhà báo trong một lần tác nghiệp (Ảnh tư liệu).
Với nhà báo, mỗi chuyến đi là mỗi hành trình nuôi dưỡng niềm đam mê. Ảnh tư liệu. 

“Chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi”, với nghề báo, “cây đời” là người thầy và cũng là trường học không bao giờ có ngày tốt nghiệp. Cuộc sống với muôn hình vạn trạng những chuỗi vận động.

Sẽ là hạnh phúc của nghề khi nhà báo có nhiều nguồn tin, được ôm những “món nợ” thông tin bằng tất cả trách nhiệm và niềm đam mê đã theo đuổi. Trăn trở, lăn lộn với cơ sở để có những tư liệu chân thực, những thông tin mang hơi thở cuộc sống, họ luôn cố gắng làm tròn sứ mệnh của người truyền tin.

Cũng bởi vậy mà rất nhiều trong số họ không quản đường xa, bất kể thời tiết, đi đến tận nơi chỉ để nói chuyện với nhân vật có khi 5 - 10 phút hay đơn giản với mục đích có được tấm hình làm “nhân chứng vật chứng”.

Có những “món nợ” phóng viên đeo đuổi và quyết tâm ròng rã suốt mấy năm trời thu thập thông tin tư liệu để thực hiện cho kỳ được, “trả nợ” cho cả niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề và trách nhiệm của người cầm bút trước công chúng. Nhiều người đã dấn thân, đã dũng cảm có mặt ở những nơi gian khó, hiểm nguy; bản lĩnh dùng ngòi bút để đương đầu vạch trần những cái sai, cái xấu.

Công cuộc “trả nợ” của nhà báo dễ mà cũng khó trong dòng chảy của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Dễ là bởi điều kiện, phương tiện tác nghiệp ngày càng thuận lợi hơn. Nhưng ở kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin có sức lan truyền không biên giới.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một cái nhấp chuột, công chúng đã có thể lạc trong ma trận của thông tin. Với những người làm báo chân chính, đó thực sự là cuộc cạnh tranh với yêu cầu không chỉ nhanh mà phải chính xác, có trách nhiệm với cộng đồng, đảm bảo tính nhân văn, xây dựng của báo chí cách mạng.

Nhưng trong thách thức có cơ hội để thương hiệu nhà báo được mài dũa và tỏa sáng bởi giữa mênh mông biển cả thông tin, công chúng lại càng cần những “ngọn hải đăng” dẫn đường, những thông tin được phân tích, tìm hiểu đa chiều, khách quan, cặn kẽ và chính thống. Kinh tế thị trường và ở một góc độ nào đó cũng có một thương trường báo chí với những cạm bẫy và cám dỗ khiến những “món nợ” trong nghề được vay trả một cách biến tướng và méo mó.

Đạo đức và trách nhiệm luôn là căn cốt để những người làm báo cách mạng tạo dựng được nhiều hơn sự yêu mến, tin tưởng của độc giả, khán thính giả. Viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào? Đó là những câu hỏi ngắn gọn, là công thức dạy nghề. Nhưng trả lời nó ở mức độ nào còn tùy vào tâm và tầm của nhà báo.

Trách nhiệm với nguồn tin, nhà báo chân chính suốt nghiệp cầm bút đeo đuổi để tìm đáp án cho những câu hỏi ấy một cách nhanh nhạy, chính xác, khách quan, công tâm và thuyết phục. Hành trình đọc – đi – nghĩ – viết chính là hành trình “tự tìm nợ - tự trả nợ”, để rồi lại nối dài hơn những ân tình với cơ sở.

Có người hỏi hạnh phúc của nhà báo là gì? Nhiều nhuận bút để trang trải mưu sinh; được làm người nổi tiếng, được nhiều công chúng biết đến thương hiệu và tên tuổi… Tất cả  sẽ đủ đầy và trọn vẹn, gói gọn ở vinh dự làm nghề trong ngành báo chí - được gọi là cơ quan quyền lực thứ tư với những tác động và giá trị xã hội mà nhà báo đóng góp và cống hiến.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.