Multimedia Đọc Báo in

Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào các tôn giáo

07:18, 27/06/2023

Thời gian qua, chính quyền các cấp luôn quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của chức sắc, chức việc, tín đồ đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền.

Sống tốt đời đẹp đạo

Sáng chủ nhật hằng tuần, bà con giáo dân xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) lại tập trung về nhà Ai Kiên ở buôn Giát để đọc kinh cầu nguyện. Đây là điểm nhóm sinh hoạt Hội thánh Cơ đốc truyền giáo buôn Giát - thuộc Hội thánh Cơ đốc truyền giáo Việt Nam hình thành từ nhiều năm nay. Quản nhiệm nhóm Ai Kiên cho hay, do chưa đủ điều kiện về số lượng tín đồ, cơ sở thờ tự riêng… nên điểm nhóm chưa được cấp phép. Tuy vậy, chính quyền địa phương vẫn luôn tạo điều kiện thuận lợi để bà con tham gia sinh hoạt tôn giáo, không có bất kỳ trở ngại gì.

Một buổi thánh lễ tại điểm nhóm sinh hoạt Hội thánh Cơ đốc truyền giáo buôn Giát (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc).

Tín hữu Đinh Thị Bình (dân tộc Tày, ở buôn M’Ó, xã Ea Hiu) chia sẻ, là giáo viên dạy tiểu học, chị đã tham gia sinh hoạt tôn giáo ở đây được hơn 10 năm. Mỗi buổi sinh hoạt tôn giáo cũng là dịp để bà con gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, động viên, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Bà con tín hữu luôn biết ơn các cấp ủy chính quyền địa phương, không chỉ tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo, mà còn thường xuyên hỗ trợ về công ăn việc làm, nhà ở, cây, con giống... giúp bà con giáo dân phát triển kinh tế. Những ngày lễ, Tết, các hộ tín hữu có hoàn cảnh khó khăn cũng được Nhà nước quan tâm, tặng quà, động viên tinh thần.

Mục sư Nguyễn Thành Tài (trú thôn 10, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) kể, trước đây ông theo đạo Tin lành, sinh hoạt tại nhà thờ Tin lành Bình Quế (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Năm 1996, ông vào Đắk Lắk tham gia Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam rồi thành lập điểm sinh hoạt tại nhà. Đến năm 2018, điểm sinh hoạt Hội thánh Liên hữu Cơ đốc này được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động chính thức. Trong hoạt động tôn giáo, mục sư Tài luôn thông tin đầy đủ, thường xuyên đến lãnh đạo UBND xã Krông Búk để chính quyền nắm bắt, định hướng, quản lý hiệu quả. “Nhà nước cho phép tự do tín ngưỡng, tôn giáo, song cũng phải thượng tôn pháp luật. Giáo luật của chúng tôi răn dạy, mỗi tín đồ phải tuân thủ nghiêm theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, làm gương cho tín hữu khác và người dân noi theo” - mục sư Tài bộc bạch.

Năm 2009, được sự hướng dẫn, chấp thuận của chính quyền địa phương, nhiều điểm nhóm sinh hoạt đạo Tin lành nhỏ lẻ trong các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) đã thống nhất gộp thành chi hội Tin lành Ea Kar, sinh hoạt chung tại một nơi thờ tự. Hiện chi hội này có khoảng 700 tín hữu tham gia sinh hoạt thường xuyên. Mục sư Y Thul Bkrông, quản nhiệm chi hội Tin lành Ea Kar cho biết, trước đây chi hội sinh hoạt ở căn nhà cũ. Từ năm 2020, các cấp chính quyền đã tạo điều kiện để hội thánh xây dựng một nhà thờ khang trang, rộng lớn, giúp bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo thuận lợi, ai nấy đều phấn khởi.

Các tín hữu của Hội thánh Liên hữu Cơ đốc tham gia lễ tại một điểm nhóm ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).

Nắm bắt, giải quyết nguyện vọng chính đáng

 

“Thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo, chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tích cực lao động sản xuất, chấp hành nghiêm quy định, pháp luật của Nhà nước. Mọi hoạt động của nhà thờ đều đúng với nội dung đăng ký và báo cáo kịp thời để chính quyền địa phương nắm, biết" - mục sư Y Thul Bkrông, quản nhiệm chi hội Tin lành Ea Kar.

Huyện Ea Kar hiện có 11 tổ chức cơ sở của nhiều tôn giáo khác nhau, với 146 chức sắc, chức việc trong tổng số gần 23.000 tín đồ (chiếm 15,5% dân số). Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Minh Chuyền khẳng định: Chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo hoạt động, hướng dẫn các thủ tục về đất đai để cấp phép xây dựng cho các cơ sở thờ tự. Để tạo sự đoàn kết trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, huyện cũng thường xuyên quan tâm, tổ chức cho chức sắc các tôn giáo gặp gỡ, giao lưu trao đổi thông tin, tăng cường mối đoàn kết; xử lý mọi việc trên tinh thần công bằng, nhân đạo và đúng pháp luật. Hằng năm, trong các dịp lễ quan trọng, chính quyền đều tổ chức đoàn đến chúc mừng các chức sắc, chức việc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tín đồ.

Đắk Lắk hiện hơn 616.000 tín đồ (chiếm khoảng 32% dân số), sinh hoạt chủ yếu tại 4 tôn giáo lớn là Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài; có 358 cơ sở và điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo chính thức với 1.417 chức sắc, tu sĩ. Theo ông Đặng Tuấn Cường, Trưởng Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo luôn được tỉnh quan tâm, kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Từ năm 2018 đến nay (khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành), tỉnh đã tổ chức 85 hội nghị triển khai các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 14.687 lượt người tham dự, trong đó có 2.255 lượt chức sắc, chức việc các tôn giáo. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh giải quyết 574 nhu cầu tôn giáo về các lĩnh vực xây dựng, sửa chữa, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển, thành lập tổ chức trực thuộc. Chấp thuận đại hội thành lập 63 chi hội thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) và một chi hội thuộc Hội thánh Cơ đốc Phục Lâm, với 217 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt…

Mai Phương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.