Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn thương tích: Không thể chủ quan

08:23, 14/06/2023

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm trẻ em bị tai nạn thương tích. Đặc biệt là vào thời điểm bước vào kỳ nghỉ hè, khi các em được nghỉ học, tự do vui chơi thì số vụ TNTT ở trẻ em có chiều hướng gia tăng.

Những sự việc đau lòng

Tháng 2/2023, cháu P.Đ.C. (SN 2015, trú thôn 1, xã Ea Pal, huyện Ea Kar) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu trong tình trạng đa vết thương hàm, mặt, ngực, dập nát hoàn toàn xương bàn tay trái, phải...

Các bác sĩ đánh giá, do vết thương quá nặng nên hai bàn tay của cháu C. phải phẫu thuật cắt bỏ. Chị H.T.H.P. (mẹ của cháu C.) cho biết, chị có ba người con, C. là con lớn nhất. Hằng ngày, ngoài việc đi học, cháu C. chăm chỉ phụ giúp cha mẹ nấu cơm, quét nhà, tắm rửa cho em. Vào ngày 11/2, cháu C. xin sang nhà bác để chơi cùng anh họ. Đến lúc nghe tiếng nổ to, mọi người chạy đến nơi thì đã thấy các cháu bị thương nặng. Sau khi qua cơn nguy kịch, gia đình hỏi thì các cháu cho biết là xem video trên mạng rồi tự mua nguyên liệu về để chế tạo pháo.

Trẻ em bị tại nạn giao thông điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Trước đó, vào ngày 25/12/2022, tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) cũng đã xảy ra vụ nổ pháo tự chế khiến một học sinh tử vong và ba học sinh khác bị thương nặng.

Tai nạn đuối nước cũng là mối nguy với trẻ. Như vụ việc ở  huyện Krông Pắc, khoảng trưa 26/3, có ba học sinh của Trường THCS Vụ Bổn (xã Vụ Bổn) rủ nhau ra hồ trên địa bàn để tắm. Hai em không may trượt chân xuống vũng nước sâu, dẫn đến tử vong. Trước đó, vào năm 2022, tại xã Hòa An (huyện Krông Pắc) cũng xảy ra liên tiếp hai vụ đuối nước khiến năm học sinh (từ 8 - 10 tuổi) tử vong.

Ngày 7/9/2022, tại giao lộ Phan Bội Châu - Đoàn Doãn Định (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tại thời điểm đó, xe đạp điện do cháu Ph.H.P. (SN 2010) điều khiển chở chị gái Ph.T.N.U. (SN 2009) đi học, khi đến địa điểm trên thì va chạm với xe máy do Ng.A.T. (SN 2006) điều khiển, chở theo nữ sinh Ph.N.Q. (cùng Trường THPT Chu Văn An). Vụ tai nạn khiến bốn người đều bị thương, trong đó nặng nhất là N.U. bị chấn thương sọ não, thương tật 97%. Gia đình cháu cho hay đã phải bán nhà, vay mượn khắp nơi để chữa trị nhưng do thương tật quá nặng, cháu vẫn trong tình trạng sống thực vật.

Tai nạn thương tích luôn rình rập

Có nhiều kiểu TNTT xảy ra đối với trẻ em. Tùy từng độ tuổi, từng môi trường mà trẻ có thể gặp những nguy cơ gặp tai nạn khác nhau. Trên thực tế, TNTT thường xảy ra bất ngờ, đến từ các nguyên nhân chủ quan (xuất phát từ chính bản thân trẻ em) và nguyên nhân khách quan (môi trường sống xung quanh, sự bất cẩn, chủ quan, lơ là của người lớn). Ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, các tai nạn thường gặp như bị hóc, sặc do nhét các vật dụng vào mũi, miệng, tai… Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp trẻ bị va đập vào các đồ dùng trong nhà như cạnh bàn khi chạy nhảy, bị ngã từ trên tầng cao, chạm vào các thiết bị điện không an toàn, bị bỏng…

Trẻ em vui chơi tại các khu vực sông, hồ, ao, suối cần có sự giám sát của người lớn.

Trẻ em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm cùng với việc được tiếp cận với mạng xã hội từ sớm như hiện nay, nhiều em nhỏ dễ dàng mua nguyên liệu thuốc nổ trên mạng xã hội rồi tự chế pháo để sử dụng. Trong những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc học sinh tự chế pháo nổ, trong đó có nhiều vụ dẫn đến hậu quả thương tâm. Hệ quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ tự chế đã xảy ra, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến các em thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Là địa bàn còn nhiều khó khăn, môi trường sống xung quanh cũng luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ gây nên TNTT cho trẻ em như địa hình đồi núi cao dễ gây trượt ngã, nhiều sông suối. Bên cạnh đó, việc thiếu sân chơi an toàn cho trẻ, không có rào chắn, không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm… cũng là một trong những nguyên nhân. Và còn nữa, hàng trăm nghìn kiểu TNTT luôn rình rập bởi sự bất cẩn của người lớn và các em.

Lớp dạy bơi miễn phí tại thôn Hiệp Đoàn (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) hè năm 2023. Ảnh: H.Diệu

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm tại Việt Nam có hơn 370.000 trẻ bị TNTT. Số trẻ em tử vong do TNTT là khoảng 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ khoảng 35% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.