Multimedia Đọc Báo in

Trẻ em trong kỷ nguyên mới

10:30, 27/06/2023

Việt Nam là một trong những quốc gia có Ngày Quốc tế Thiếu nhi sớm nhất trên thế giới, từ ngày 1/6/1950, khi công cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta đang trong giai đoạn cam go, quyết liệt.

Việt Nam cũng là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990, chỉ 3 tháng sau khi Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em được đưa ra. Đây được xem là văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em, dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

*

Thế giới đang bước vào buổi bình minh của kỷ nguyên mới với những thay đổi, biến động chưa từng có. Chúng ta đang sống giữa thời điểm lịch sử chưa có tiền lệ của loài người, khi sản phẩm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là người máy, trí tuệ nhân tạo (AI), không gian kết nối mạng Internet vô tận, bước tiến phi thường của những công nghệ đáp ứng mọi nhu cầu không tưởng của con người, đồng thời cũng là thời khắc nhiều giá trị văn minh trường tồn qua ngàn vạn năm của loài người đang đứng trước sự lung lay, biến đổi từ gốc rễ… 

Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia khóa học hè năm 2023 tại New Zealand. Ảnh  minh họa: Hiền Lê
Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia khóa học hè năm 2023 tại New Zealand. Ảnh minh họa: Hiền Lê

Kỷ nguyên mở đầu bằng những thành tựu vĩ đại, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường với tương lai nhân loại. Trong đó, giới trẻ, đặc biệt là Gen Alpha (thế hệ sinh sau 2010) sẽ buộc phải đối mặt, thích ứng và thay đổi. Đơn cử, theo các nghiên cứu xã hội học, có đến 65% trẻ em bắt đầu bước vào tiểu học hôm nay sẽ làm những công việc mà hiện nay còn… chưa ra đời! Những thứ công việc mới lạ vẫn còn chưa thể hình dung được ấy, vậy phải chuẩn bị ra sao, học hành thế nào, từ bây giờ?

Tất nhiên, để trẻ em có thể đối mặt, thay đổi để thích ứng trước một “tương lai mới”, tuyệt đối không thể thiếu vai trò dẫn dắt của xã hội, nhà trường, gia đình và sự quan tâm của tất cả người lớn chúng ta.  

Xưa nay vốn dĩ đã gần như không có một công thức chung nào trong việc nuôi dạy con cái dẫn đến thành công. Còn thời đại bây giờ, khi “xa lộ thông tin” như dòng thác dễ dàng cuốn trôi, quăng quật mỗi cá nhân vào “thế giới phẳng” thăm thẳm vô biên như một hành tinh xa lạ, thì bài học nào, kỹ năng nào, tố chất nào giúp một đứa trẻ thành công? Với ý nghĩa trở thành một nhân tố tốt cả về đức độ, tài năng, sự thích ứng để góp phần thúc đẩy xã hội tương lai phát triển một cách văn minh, hiện đại, nhưng không đánh mất đi truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn dĩ đã được gìn giữ và trao truyền qua bao thăng trầm tiến hóa.

Một quan điểm khá phổ biến hiện nay, đó là dạy trẻ bằng cách lấy người lớn làm gương. Điều đó rất đúng, nhưng như vậy mới chỉ chú trọng vào giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống; song cũng đặt ra nhiều lo ngại trong bối cảnh xã hội nước ta không ít người lớn đang trực tiếp tạo ra những “tấm gương xấu” cho trẻ nhỏ. Câu hỏi đặt ra là, trước một thời đại thay đổi đến từng phút giây như hiện nay, liệu bản thân người lớn đã đủ sức theo kịp, hòa nhập để tạo “tấm gương” đủ lớn, đủ toàn diện cho con em mình không?

Nên, không gì khác, yêu cầu, cũng là tố chất cần nhất với lứa tuổi nhỏ bây giờ, đó là nhận thức và khả năng thay đổi để thích ứng. Đúng như Charles Darwin, cha đẻ của Thuyết tiến hóa từ thế kỷ 19 đã nhìn xa “Loài tồn tại không phải là loài mạnh nhất, cũng không phải thông minh nhất, mà là loài phản ứng nhanh nhất với sự thay đổi”.

Sự thay đổi để thích ứng này phải mang tính hệ thống và nhất quán, thậm chí là chiến lược của cả một quốc gia. Trong nhà trường, điểm số và thành tích học tập đã đến lúc không còn là ưu tiên cao nhất; thậm chí kiến thức đơn thuần cũng sẽ không tạo nên giá trị khác biệt, giữa thời đại của Google và ChatGPT này. Thay vào đó, trẻ em cần được học nhiều hơn về kỹ năng nhận thức và tư duy để đặt câu hỏi và đưa ra cách giải quyết mang tính sáng tạo, phù hợp với chính mình cũng như bối cảnh xung quanh; về kỹ năng giao tiếp, trao đổi văn hóa, kiến thức lẫn nhận thức; về kỹ năng chọn lọc, phản biện, làm việc nhóm với tư thế là những “công dân toàn cầu”…

Không chỉ vậy, trước một hiện thực và tương lai đang đầy rẫy những điều không chắc chắn này, trẻ còn hết sức cần đến khả năng phục hồi và tự phục hồi. Trong một kỷ nguyên đầy biến động, mọi thứ đều quá nhanh và tưởng như quá dễ dàng, thì sai lầm, thất bại, thất vọng cũng xảy đến rất nhanh và dễ dàng với bất kỳ ai, nhất là với người trẻ. Các nhà giáo dục trên thế giới gần đây đã chỉ ra những đứa trẻ có “tư duy phát triển” (sinh ra chỉ là điểm khởi đầu, mọi thứ dần thay đổi, sửa chữa, hoàn thiện theo thời gian) đang thành công hơn so với bạn cùng lứa mang “tư duy cố định” (chỉ dựa vào những thứ có sẵn ở vạch xuất phát như trí thông minh, tài năng…). Với tư duy phát triển, mọi sai lầm, thất bại sẽ là cơ hội tốt để mạnh mẽ hơn, sáng suốt, đúng đắn và thành công hơn.

Tương lai thế giới, robot sẽ “sống chung”, chen chúc cùng con người, từ nhà máy, phòng nghiên cứu, đường phố cho đến bên trong mỗi căn hộ. Nhưng trẻ em - chủ nhân của tương lai tuyệt đối không thể cũng bị biến thành những người máy lạnh lùng vô cảm. Chỉ có con người, với cảm xúc yêu thương lớn lao, lòng trắc ẩn, biết sẻ chia, biết hy sinh vì người khác, mới có thể làm chủ và bảo vệ hành tinh này. Do vậy, sự tử tế, nhân ái, ý thức trách nhiệm trong từng việc nhỏ nhất phải được chăm chút, vun xới từng ngày ngay từ khi đứa trẻ mới được sinh ra.

Hy vọng vào tương lai, từ những đứa trẻ hôm nay.

Trí Quân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.