Multimedia Đọc Báo in

Thêm sân chơi mới cho trẻ em vùng trồng cà phê

05:27, 24/02/2023

Tạo cho các em thiếu nhi một sân chơi bổ ích, lành mạnh là một trong những hoạt động trong Chương trình “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam” (gọi tắt là Chương trình) đang được triển khai trên địa bàn huyện Krông Năng.

Chương trình do Quỹ chống lao động trẻ em của cơ quan Doanh nghiệp Hà Lan (RVO), JDE, Luigi Lavazza S.P.A tài trợ, nhằm mục tiêu: Cải thiện sinh kế và cân bằng giới trong việc ra quyết định của nông hộ; cải thiện hiệu quả học tập cho trẻ em và cơ hội việc làm cho thanh thiếu niên; hỗ trợ doanh nghiệp cà phê giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng và phối hợp với các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp, đối tác để thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em, lao động trẻ em. Đối tượng hưởng lợi từ chương trình là các hộ gia đình thuộc vùng dự án của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 tại các xã Dliê Ya, Ea Tân, Ea Toh (huyện Krông Năng).

Em Nông Lâm Khánh (thành viên CLB số 1, thôn Tân Hiệp, xã Dliê Ya) đang vẽ về cà phê trên túi vải Canvas

Ngày cuối tuần vừa qua, nhiều học sinh tiểu học ở thôn Tân Hiệp, xã Dliê Ya được tham gia Câu lạc bộ (CLB) sân chơi cho em tổ chức tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc. Các em háo hức đến từ sớm, chào hỏi nhau vui vẻ, rồi cùng hào hứng tham gia các hoạt động như đọc sách, tặng sách, chơi các trò chơi, đặc biệt là vẽ tranh trên túi vải Canvas để bán gây quỹ cho hoạt động của CLB.

Ngay sau sự hướng dẫn ban đầu của họa sĩ về bố cục hình ảnh, cách pha màu, đi nét vẽ, phát huy trí sáng tạo của bản thân, các em đã bắt tay vào vẽ tranh trên chiếc túi Canvas. Mỗi em một ý tưởng, có cách thể hiện khác nhau; nhưng có cùng một điểm là chịu khó tìm tòi, học hỏi và say mê thể hiện. Mải mê với từng nét vẽ về cành cà phê, em Nông Lâm Khánh (thành viên CLB số 1) chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên em vẽ màu nước, dù còn lóng ngóng nhưng em cảm thấy rất thú vị. Sau hơn hai giờ sáng tạo, các túi vải lần lượt được hoàn thiện qua bàn tay các bạn nhỏ, dù chưa hoàn mỹ, đôi khi còn những hình ảnh tô màu vụng về, lem luốc, song khá đáng yêu, thể hiện được vẻ đẹp của tuổi thơ, những cái nhìn đáng yêu về thế giới xung quanh. Niềm hạnh phúc khi tham gia các hoạt động thể hiện trong từng ánh mắt, nụ cười của các thành viên.

 

Dự kiến trong quý I năm 2023, Chương trình sẽ tiếp tục thành lập thêm 14 CLB, phối hợp thực hiện nhiều kế hoạch khác với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, các đơn vị liên quan, góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân, hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê trên địa bàn huyện và nâng cao giá trị của cà phê đến người tiêu dùng.

Đặc biệt hơn, những em nhỏ đi cùng các anh chị tham gia sinh hoạt CLB sẽ được tạo một sân chơi riêng như tô màu, vẽ tranh trên giấy, đọc sách ảnh thiếu nhi, được tặng những món quà nhỏ xinh xắn…

Đây là một buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB sân chơi cho em trên địa bàn huyện Krông Năng. CLB là một trong những hoạt động nổi bật trong Chương trình, tạo điều kiện để trẻ em là con em của những nông dân trồng cà phê nói riêng và trẻ em tại các vùng nguyên liệu được phát triển, vui chơi, bảo vệ quyền lợi... Hiện toàn huyện đã thành lập 3 CLB. Ban đầu, mỗi CLB có từ 15 – 21 thành viên, là con em của các nông hộ trồng cà phê, có độ tuổi 9 - 14; Ban quản lý CLB là thầy cô giáo hỗ trợ điều hành. CLB được tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng, thực hiện các hoạt động ngoại khóa, bao gồm cả việc tìm hiểu về các quyền trẻ em và các hoạt động liên quan đến nông nghiệp phù hợp; giúp các em hạn chế làm việc không phù hợp, biết bảo vệ và có thời gian phát triển bản thân. Thời gian ban đầu, các CLB sẽ được chuyên gia của Công ty Cổ phần TMT Consulting (đơn vị thực hiện các hoạt động trong Chương trình – PV) hỗ trợ, sau đó các CLB có thể tự vận hành lâu dài. Các học sinh tham gia CLB đều vui mừng, mong chờ đến ngày sinh hoạt để có được những trải nghiệm mới mẻ, vui vẻ.

Các em học sinh tham gia hoạt động đọc sách tại buổi sinh hoạt CLB.

Thầy Phạm Xuân Tứ, Chủ nhiệm CLB số 1, Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Dliê Ya) cho hay: “Từ ngày CLB ra đời đã tạo điều kiện cho các em được vui chơi lành mạnh, đã có một nơi để sinh hoạt thay vì phải làm những công việc chưa phù hợp với lứa tuổi, giảm thiểu rủi ro về sức khỏe. Thời gian tới, Ban quản lý CLB sẽ phối hợp với nhà trường và địa phương tổ chức các chuyên đề tiếp theo để các hoạt động không bị ngắt quãng. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện để có nhiều thành viên là các học sinh tham gia CLB nhiều hơn nữa”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Công ty Cổ phần TMT Consulting, trên thực tế có nhiều trẻ em tham gia lao động nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp không phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, do điều kiện các hộ gia đình còn khó khăn, đôi khi nhận thức chưa đầy đủ… Ngoài việc thành lập, đi vào hoạt động các CLB, trong năm 2022, Chương trình cũng đã thực hiện các hoạt động như tập huấn cho nông dân các kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt (GAP); giới thiệu Hệ thống học tập và hành động về Giới (GALS); hỗ trợ các trường học tổ chức các lớp học phụ đạo để nâng cao hiệu quả học tập của trẻ em người dân tộc thiểu số; hướng dẫn về phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; đào tạo nghề cho thanh thiếu niên… tại một số xã trên địa bàn huyện Krông Năng, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng và cung cấp, đào tạo giúp cải thiện sinh kế cho người dân.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.