Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ “vùng lãnh thổ” đặc biệt (Kỳ 2)

08:19, 30/07/2023

Kỳ 2: Xây thế trận trên không gian mạng

Trước “ma trận” thông tin, hình ảnh trên không gian mạng, các cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ “vùng lãnh thổ” đặc biệt này.

Nhận diện các âm mưu, thủ đoạn

Đại tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh cho biết, các thế lực thù địch, phản động, bọn cơ hội chính trị đã triệt để khai thác, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin trên thế giới và trong nước, nhất là Internet và mạng xã hội nhằm gia tăng các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta với những chiêu thức mới, ngày càng tinh vi. Chúng sử dụng các trang mạng xã hội lớn như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ để nhân rộng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước; cắt ghép, xuyên tạc thông tin, ý kiến của một số cá nhân, tổ chức uy tín, mang tầm ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước; tạo dựng các trang web, các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để chia sẻ, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt; đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch.

Hiện nay, thông tin xấu, độc được phát tán với nhiều thủ đoạn tinh vi, điển hình như việc đối tượng thành lập hàng loạt kênh thông tin khác nhau. Trong giai đoạn đầu, để thu hút người truy cập, quản trị các trang web, diễn đàn này tổng hợp tin tức từ nguồn báo chí chính thống và nguồn tin từ nước ngoài khách quan. Khi đã có nhiều người truy cập thường xuyên, chúng cài dần thông tin xấu, độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái cũng tăng dần. Chính vì thế, người truy cập mạng dễ dàng bị các thế lực thù địch, phản động dẫn dắt trong việc tiếp nhận thông tin, tham gia hội, nhóm rồi chia sẻ những hình ảnh, bài viết có tính chất xấu, độc trên mạng.

Công an xã Cư Né (huyện Krông Búk) hướng dẫn người dân tộc thiểu số sử dụng Internet, mạng xã hội trên điện thoại di động một cách an toàn, hiệu quả.

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng công an trong tỉnh phát hiện nhiều trường hợp có quan điểm tiêu cực, chống đối, thường xuyên chia sẻ bài viết, hình ảnh, video trên tài khoản mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động liên quan an ninh quốc gia như: “Việt Tân”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội nhà báo độc lập”, “Hội phụ nữ nhân quyền”… Nội dung chủ yếu của chúng là tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành, quản lý của chính quyền; vu cáo chính quyền đàn áp dân tộc, tôn giáo… Một số đối tượng trong tỉnh tham gia hoạt động chống phá đã bị bắt và xử lý theo quy định của pháp luật như: Huỳnh Thục Vy, Đặng Đăng Phước, Y Wô Niê...

Bên cạnh đó, thông qua nhóm kín trên tài khoản Facebook, Skype, Zalo, nhiều đối tượng FULRO lưu vong còn tích cực tuyên truyền, móc nối với số đối tượng chống phá trong nước để phát triển lực lượng, cung cấp thông tin tình hình gửi ra nước ngoài; lôi kéo các đối tượng tham gia tập huấn, họp trực tuyến về “nhân quyền, xã hội dân sự” nhằm đưa ra những báo cáo, số liệu vu cáo chính quyền Việt Nam. Chúng còn chỉ đạo các đối tượng sau khi được tập huấn phải ra sức tuyên truyền, kích động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Xây dựng mạng lưới tuyên truyền

Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo và đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường. Đây chính là minh chứng quan trọng khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, là luận cứ khoa học và thực tiễn đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mọi mặt trận, nhất là trên không gian mạng.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, thành lập Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, Ban hành Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 16/11/2019 về xây dựng trang fanpage của tỉnh, cài đặt phần mềm Reputa để rà quét, kịp thời phát hiện thông tin xấu, độc liên quan đến tỉnh.

Đại tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (bìa trái) hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trên không gian mạng.

Nhằm lan tỏa thông tin tích cực, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 11-ĐA/TU. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, vận hành 94 trang fanpage. Trong đó, hai trang Fanpage của tỉnh gồm “Đắk Lắk trong tôi” và “Dak Lak News Day” hoạt động tích cực và hiệu quả với hàng chục nghìn người theo dõi. Các trang này đã đăng tải, chia sẻ trên 50.590 tin, bài, thu hút 85.447 lượt bình luận và 383.939 lượt chia sẻ. Nhiều fanpage của các địa phương, đơn vị có số lượng lớn người theo dõi, bước đầu hình thành một hệ thống các kênh cung cấp thông tin chính thống lên không gian mạng một cách kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng dư luận.

Đơn cử như tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, đến nay, 20/20 cơ quan, đơn vị trong lực lượng đã thành lập nhóm Zalo, Mocha. Đại tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho hay, bên cạnh việc thường xuyên học tập “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa”, “Mỗi tuần học một điều luật”, trên mạng xã hội Facebook, cán bộ, chiến sĩ lực lượng cũng đã xây dựng các trang cá nhân, fanpage với hàng chục nghìn lượt người thích để thường xuyên cập nhật tin tức quốc phòng - an ninh, lan tỏa hình ảnh đẹp của bộ đội Cụ Hồ, kết nối, gắn bó tình cảm quân dân...

Phát huy vai trò của lực lượng xung kích

Giữa tháng 6 vừa qua, tài khoản N.T.H. đăng lên mạng xã hội Facebook nội dung “Thiếu tướng 22 triệu 800 vẫn chạy Grab, nguyên chỉ huy trưởng tĩnh đắc lắc” cùng một video clip về “nhân vật” tự xưng nguyên là Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Đắk Lắk. Phát hiện thông tin phản cảm, sai lệch, lại thu hút cộng đồng dư luận (video có hơn 9.600 lượt like và 3.400 bình luận), rất nhiều trang cá nhân của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tỉnh đã nhanh chóng phản bác lại bằng minh chứng là lịch sử phát triển của lực lượng từ năm 1945 đến nay không có Chỉ huy trưởng nào tên là Nguyễn Mạnh Hùng như video đề cập; thông tin trên bịa đặt hoàn toàn bởi Quân đội nhân dân Việt Nam không có Quân đoàn 9; dòng nội dung của người đăng tải thông tin cũng sai nhiều lỗi chính tả.

Với vai trò là nòng cốt trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, lực lượng Công an tỉnh đã tăng cường triển khai các biện pháp, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các trang mạng đăng tin, bài, bình luận, chia sẻ, phát tán nội dung xuyên tạc, sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước và địa phương. Mặt khác, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với các lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật, hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thông, các hội, nhóm trong và ngoài tỉnh trên không gian mạng; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có kết hợp chặt chẽ tính Đảng, tính khoa học và tính chiến đấu, bảo đảm yếu tố chính trị, pháp luật, nghiệp vụ.

Trong 5 năm qua (từ năm 2018 đến nay), Ban Chỉ đạo 35 Công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động, kịp thời biên soạn, đăng tải 4.290 bài phản bác, chia sẻ 48.987 tin, bài trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội nhằm kịp thời định hướng dư luận, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao cảnh giác cho nhân dân. Công an các cấp trong tỉnh cũng phát hiện 311 trường hợp sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ chính quyền, xúc phạm danh dự người khác; đã tiến hành mời gọi, làm việc để răn đe, nhắc nhở, yêu cầu xóa bài đối với 246 trường hợp; xử lý hành chính 58 trường hợp với tổng số tiền hơn 274,5 triệu đồng...

Đặc biệt, đã có nhiều đối tượng bị xử lý hình sự về hành vi “hoạt động nhằm lật đổ chính quyên nhân dân”, “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong 5 năm qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt, khởi tố 5 vụ, 7 đối tượng.

Đơn cử gần đây nhất là vụ Đặng Đăng Phước (SN 1963, trú tổ dân phố 7A, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột - nguyên giáo viên dạy môn Âm nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk). Từ năm 2012 đến năm 2023, Phước đã sử dụng mạng Internet để tham gia vào các hội, nhóm hoạt động chống đối do một số đối tượng trong và ngoài nước phát động. Đồng thời, đăng tải, chia sẻ hơn 200 bài viết có nội dung công kích lãnh đạo cấp cao và chính quyền, xuyên tạc tình hình chính trị - xã hội trong nước; công khai thể hiện tư tưởng, quan điểm bất mãn, bôi nhọ, nói xấu lực lượng công an; lợi dụng các vấn đề đang được xã hội quan tâm để xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước... Ngày 6/6/2023, Phước đã bị TAND tỉnh tuyên phạt 8 năm tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.

Việc đấu tranh, kiên quyết xử lý các đối tượng chống phá trên không gian mạng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, cũng là lời cảnh tỉnh đến các đối tượng khác đang có âm mưu, hành động chống phá Đảng, Nhà nước, hoạt động đi ngược lại lợi ích và truyền thống dân tộc.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Vững thành trì tư tưởng

Nguyễn Xuân - Song Quỳnh - Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.