Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những cựu chiến binh xông pha lửa đạn

08:27, 27/07/2023

Họ là những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu, đóng góp công sức, xương máu giải phóng dân tộc và tiếp tục tại ngũ, phục vụ quân đội sau ngày đất nước thống nhất. Trong khói lửa chiến tranh hay thời bình, họ luôn phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Người cựu binh với ký ức lịch sử

Cứ mỗi dịp 27/7 về, ông Hồ Tân Sinh (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), nguyên Phó Chỉ huy, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lại lần giở, nâng niu những tấm ảnh lưu lại kỷ niệm năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử và niềm vui trong ngày Chiến thắng 30/4, gợi ký ức của một thời binh lửa.

Cựu chiến binh Hồ Tân Sinh với những bức ảnh lưu lại kỷ niệm cùng đồng đội.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An), năm 1966, khi vừa tuổi 18 với nhiệt huyết căng tràn, Hồ Tân Sinh hăng hái tòng quân ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau thời gian huấn luyện, từ năm 1968 đến cuối tháng 3 năm 1975 ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu từ chiến trường Quảng Trị đến chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng với bao trận đánh ác liệt. Giữa tháng 4/1975, ông cùng đồng đội thuộc Trung đoàn 24, Sư đoàn Bộ binh 304, Quân đoàn 2 hành quân vào thị xã Vũng Tàu với nhiệm vụ bao vây, chia cắt, đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu không cho địch rút chạy hoặc lùi dần về Sài Gòn. Tiếp đó, ông được giao nhiệm vụ làm tác chiến chiến dịch tại Tổng kho Long Bình - kho vũ khí nằm ở Biên Hòa (Đồng Nai) để bảo vệ cho đơn vị tiến vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bên tách trà nóng cùng những kỷ vật chiến trường, cựu binh Hồ Tân Sinh bồi hồi: “Ngày ấy, chiến đấu ác liệt lắm, bộ đội chúng tôi hiểu rõ Chiến dịch Hồ Chí Minh là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nên phải dồn sức, quyết tâm đập tan mọi sự kháng cự của địch để giành toàn thắng. Những trận chiến đấu quyết liệt dưới mưa bom đạn dữ dội khiến nhiều đồng đội bị thương nặng, hy sinh. Đó là những mất mát không gì có thể bù đắp được”.

Ngay sau ngày giải phóng, ông Sinh lại lên đường làm nhiệm vụ giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hỗ trợ nước bạn xây dựng lực lượng. Sau đó, ông về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Cựu binh 48 năm phục vụ quân ngũ

Năm 1974, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Nguyễn Xuân Thụ (quê Vĩnh Phúc) hăng hái lên đường nhập ngũ, biên chế ở Trung đoàn 25, Quân giải phóng miền Trung Trung Bộ lên đường vào Nam chiến đấu, mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thụ (bên phải) cùng những tấm huân chương được trao tặng.

Ông Thụ kể: Khoảng thời gian đó với những người lính trẻ, lằn ranh giữa sự sống - cái chết thật mong manh. Song bom đạn kẻ thù không thể làm nao núng ý chí quyết tâm của những người lính can trường, dũng cảm. Ông theo đơn vị, đồng đội bám trụ, thực hiện các kế hoạch, trận đánh theo chỉ đạo của cấp trên, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thụ được cử đi học và điều động về Đoàn 5502, Mặt trận 579 sang Campuchia giúp bạn đánh quân Pôn Pốt. 5 năm trên đất nước bạn (từ năm 1983 - 1988) với điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn, bọn Pôn Pốt thường xuyên tổ chức các cuộc tập kích bất ngờ. Một trong những lần tập kích đó, ông Thụ bị thương khá nặng song vẫn cùng đơn vị bám trụ cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về, công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk.

Suốt thời gian phục vụ quân ngũ cho đến khi nghỉ chế độ năm 2010, ở bất kể cương vị công tác nào, ông Thụ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công. Ông vinh dự được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, quân đội.

Sau khi rời quân ngũ, ông Thụ vẫn nặng lòng, gắn bó với màu áo lính, tiếp tục tham gia công tác ở Hội Cựu chiến binh TP. Buôn Ma Thuột, tích cực kêu gọi, vận động xây dựng nhà Đồng đội tặng các cựu binh có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên giáo dục truyền thống cách mạng, bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ qua việc vận động con em ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với quê hương, đất nước, hăng hái tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Riêng gia đình ông, hai người con cũng tiếp nối truyền thống cách mạng, theo gương cha chọn con đường binh nghiệp.

       Vân Anh - Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc