Multimedia Đọc Báo in

Đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh từ cơ sở

08:24, 24/07/2023

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay hệ thống y tế cơ sở huyện Cư Kuin ngày càng được đầu tư và hoàn thiện, giúp người dân tiếp cận nhiều loại hình, dịch vụ khám chữa bệnh từ sớm, từ xa.

Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, những năm qua, Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin đã thực hiện nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực để củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, phát triển và mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh ngày càng khang trang, sạch đẹp với đầy đủ các phòng chức năng.

Trung tâm hiện có 4 phòng, 11 khoa và 229 cán bộ y tế, trung bình tiếp nhận từ 300 - 350 lượt người đến khám chữa bệnh mỗi ngày. Với 190 giường bệnh đã đáp ứng cơ bản điều kiện quy định về cơ sở vật chất trong công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Thăm khám và tư vấn sức khỏe cho người bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin.

Để thực hiện tốt hoạt động khám chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện luôn chú trọng từ khâu tiếp đón đến khám phân luồng, hướng dẫn người bệnh; cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ cho bệnh nhân, bảo đảm bình đẳng trong việc thụ hưởng dịch vụ y tế của các đối tượng. Cùng với đó, Trung tâm cũng quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ công tác khám chữa bệnh, như: máy siêu âm, máy chụp X-quang, máy gây mê, máy mổ nội soi… giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức di chuyển đến tuyến trên khám, điều trị. Ngoài ra, hằng năm Trung tâm cũng cử cán bộ y tế tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng. Công tác cải tiến chất lượng bệnh viện thường xuyên được duy trì triển khai, kiểm tra giám sát; sự hài lòng của người bệnh ngày càng tăng lên (đạt trên 96% khi đến trung tâm khám, điều trị).

Chị Ngụy Thị Loan (30 tuổi, trú thôn 18, xã Ea Ning) là bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin cho hay, chị bị đứt kín gân gót chân. Đây là một trong số những trường hợp rất hiếm gặp ở các tuyến y tế cấp huyện và cần được phẫu thuật kịp thời. Trải qua một giờ phẫu thuật, các y bác sĩ của Trung tâm đã thực hiện kỹ thuật nối gân bunnell-tajima và đã nối lại gân gót chân thành công cho chị Loan.

Người dân đăng ký khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin.

Cùng với Trung tâm Y tế huyện, 8 trạm y tế xã trên địa bàn huyện cũng đã được quan tâm đầu tư về nhân lực, vật lực để làm tốt công tác khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình, dự án quốc gia về y tế như: tiêm chủng mở rộng, giám sát dịch bệnh truyền nhiễm, quản lý bệnh không lây nhiễm… Tuy cách cơ sở y tế tuyến trên không xa, nhưng người dân các thôn, buôn khi mắc các bệnh nhẹ như tăng huyết áp, đau đầu, đau bụng, một số bệnh khác liên quan đến hô hấp hoặc cần sơ cứu ban đầu đều điều trị tại các trạm y tế xã. Cùng với việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để bùng phát và lây lan trong cộng đồng, các trạm y tế xã còn thường xuyên lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe, công tác dân số đến đông đảo người dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin Nguyễn Khắc Dũng, công tác y tế cơ sở trên địa bàn huyện hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn. Cụ thể: tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài kèm theo những vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân. Ngoài ra, dựa trên chỉ tiêu giường bệnh và các danh mục kỹ thuật thì hiện nay số lượng bác sĩ tại tuyến y tế cơ sở của huyện cơ bản là đủ, nhưng về kỹ thuật để thực hiện chuyên môn còn hạn chế. Thêm vào đó, sau dịch COVID-19, một số cán bộ, nhân viên y tế xin chuyển công tác, việc “chiêu mộ” bác sĩ chuyên khoa về làm việc tại tuyến y tế cơ sở hiện vẫn đang là bài toán chưa có lời giải...

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.