Điểm tựa pháp lý của người yếu thế
Phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế.
Trợ giúp pháp lý miễn phí
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh có nhiệm vụ TGPL miễn phí cho người nghèo, người có công, người già, trẻ em, người khuyết tật, đồng bào DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Để hoàn thành tốt trọng trách này, Trung tâm đã tham mưu Sở Tư pháp triển khai đồng bộ các biện pháp, hướng hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật tại huyện biên giới Ea Súp. |
Theo thống kê, từ khi thành lập đến nay (25 năm), Trung tâm đã TGPL miễn phí cho hơn 34.000 lượt người với hơn 4.300 vụ việc tham gia tố tụng, hơn 29.500 vụ việc tư vấn pháp luật, gần 200 vụ việc đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác. Qua đó, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; giúp giải quyết những vướng mắc pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, hôn nhân - gia đình, chính sách xã hội, hộ tịch, hộ khẩu, khiếu nại, tố cáo…
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh chia sẻ, quá trình thực hiện nhiệm vụ, người thực hiện TGPL luôn khẳng định vị trí, vai trò của mình, không chỉ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL mà còn phối hợp, hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong một số hoạt động xác minh, cung cấp thông tin, đảm bảo trình tự, thủ tục tố tụng theo đúng quy định. Từ đó, góp phần bảo đảm các vụ án được giải quyết, xét xử khách quan, chính xác, đúng pháp luật, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Đẩy mạnh truyền thông cơ sở
Trong những đối tượng được TGPL thì người nghèo, đồng bào DTTS tại các thôn, buôn đặc biệt khó khăn chiếm khoảng 75%. Đáng nói, nhiều người không biết chữ, không biết tiếng phổ thông, kiến thức pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho bà con, Trung tâm thường xuyên phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông cơ sở.
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức trao đổi nghiệp vụ tham gia tố tụng. |
Mới đây, Trung tâm phối hợp với các địa phương tổ chức những buổi TGPL lưu động và truyền thông về TGPL ở các huyện Ea Kar, Lắk, M’Drắk, Krông Pắc và Krông Ana cho hàng nghìn người. Những thắc mắc của bà con về các lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình, chế độ chính sách, dân sự, hình sự... đều được giải đáp cụ thể, qua đó góp phần giải tỏa những vướng mắc, giúp người dân hiểu và chấp hành pháp luật theo quy định.
Anh Sào A Quang (xã Cư Yang, huyện Ea Kar) cho biết: “Từ trước đến nay chúng tôi chỉ lo làm rẫy, không biết nhiều về pháp luật. Nhờ cán bộ về truyền thông cũng như tư vấn pháp luật nên tôi biết nếu có khó khăn, bà con đều được tư vấn, TGPL miễn phí. Chúng tôi mong muốn chương trình TGPL như thế này thường xuyên đến với người dân hơn nữa”.
Hoạt động truyền thông về TGPL còn được Sở Tư pháp triển khai thông qua Trang tin điện tử và Bản tin tư pháp; in ấn và cấp phát các loại tờ gấp pháp luật đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện công tác liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã biên soạn và cấp phát các bảng thông tin về TGPL tại nhà sinh hoạt cộng đồng của các thôn, buôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở tạm giữ, trại giam trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực truyền thông trong công tác TGPL cho người yếu thế, Trung tâm đã góp phần nâng cao nhận thức về chính sách TGPL cho đối tượng thụ hưởng; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người được TGPL, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội tại địa phương.
Quỳnh Anh - Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc