Multimedia Đọc Báo in

Lao động thất nghiệp chưa "mặn mà" với học nghề miễn phí

09:41, 18/07/2023

Người lao động khi mất việc làm, ngoài được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp hằng tháng còn được hỗ trợ học nghề. Thế nhưng nhiều lao động chưa tận dụng tốt chính sách này.

Lao động thất nghiệp học nghề... chỉ đếm đầu ngón tay

Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (sau đây gọi là Trung tâm) tiếp nhận 11.043 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), trong đó có 7.266 lao động làm việc tại các tỉnh khác chuyển về địa phương hưởng chế độ. Trung tâm đã thẩm định, tham mưu Sở LĐ - TBXH ban hành 11.262 quyết định chi trả chế độ TCTN (bao gồm hồ sơ tiếp nhận cuối năm trước), với số tiền chi trả hơn 173,5 tỷ đồng. Và 6 tháng đầu năm 2023, trong tổng số 6.000 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN có 5.700 lao động được giải quyết chế độ TCTN, với số tiền chi trả hơn 90 tỷ đồng.

Ảnh: Nguyễn Dũng
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tư vấn học nghề miễn phí cho người lao động. Ảnh: Nguyễn Dũng.

100% số lao động đến giải quyết chết độ BHTN được Trung tâm tư vấn đầy đủ thông tin về quyền lợi khi hưởng TCTN, đặc biệt là chính sách hỗ trợ học nghề, nhằm tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Nhưng điều đáng nói ở đây, số lao động giải quyết chế độ TCTN khá nhiều, nhưng tham gia đào tạo nghề đạt tỷ lệ rất thấp. Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, số lao động hưởng TCTN tham gia học nghề, số tiền được hỗ trợ học nghề lần lượt là 398 người, gần 2,4 tỷ đồng; 96 người, 582 triệu đồng.

Theo ông Trần Xuân Đa, Phó Giám đốc Trung tâm, nguyên nhân chủ yếu hơn 90% lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN là lao động phổ thông, đời sống khó khăn, độ tuổi cao nên có tâm lý ngại học nghề và chuyển đổi việc làm. Do vậy, sau khi nhận TCTN, NLĐ thường kiếm sống bằng công việc khác trước khi tìm được việc làm mới, nên không mặn mà với việc học nghề. Một nguyên nhân khác nữa, không ít NLĐ chỉ quan tâm đến quyền lợi trước mắt là nhận được bao nhiêu tiền TCTN mà không quan tâm đến các quyền lợi liên quan, trong đó có chính sách hỗ trợ học nghề.

Để nâng cao tỷ lệ lao động thất nghiệp học nghề miễn phí

Lao động thất nghiệp chưa quan tâm đến chế độ hỗ trợ học nghề, ngoài lý do nêu trên, thẳng thắn nhìn nhận công tác đào tạo nghề chưa hấp dẫn. Một số cơ sở đang dạy những nghề không phù hợp nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thời gian đào tạo chưa thích ứng với điều kiện của NLĐ. Và với NLĐ tay có nghề cao, khi mất việc họ muốn học nghề trình độ tương đương trung cấp, cao đẳng, thì các khóa đào tạo nghề miễn phí không đáp ứng được...

 

Trung tâm  ký kết biên bản ghi nhớ với các trường: Cao đẳng Bách Khoa Tây Nguyên, Cao đẳng Công Thương Việt Nam, Trung cấp Đắk Lắk, Trung cấp Công nghệ Y khoa Trung ương, Trung cấp Tây Nguyên; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Mỹ, Trung tâm GDNN Vinasme Tây Nguyên, Trung tâm GDNN Bảo An, Trung tâm Đào tạo nghề Du lịch và Khách san Đam San, Trung tâm GDNN Nam Cao Nguyên, Công ty Cổ phần Y Dược Ban Mê, cơ sở đào tạo nghề Vũ Nguyên (Pjo)

Nhận diện rõ tồn tại trong việc đưa chính sách hỗ trợ học nghề đến với lao động thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHTN như: tiếp tục tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách BHTN trực tiếp tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thiết kế sổ tay nghiệp vụ, băng rôn, tờ rơi, cờ phướn với nhiều nội dung phong phú; lồng ghép thông tin, phổ biến quy định về quyền lợi, trách nhiệm của NLĐ trong thời gian hưởng TCTN trên website http://vieclamdaklak.netFanpage Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk...

Đặc biệt, năm 2022 Trung tâm ký biên bản ghi nhớ phối hợp trong công tác tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp học nghề với một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường nghề trong, ngoài tỉnh để đào tạo các ngành nghề như: pha chế, nghiệp vụ bếp, cháo dinh dưỡng, trà sữa, làm bánh, xoa bóp bấm huyệt, chăm sóc da, chăm sóc sắc đẹp, chế biến món ăn, tiếng Trung; lái xe ô tô hạng B2, C, D… nhằm giúp lao động thất nghiệp có cơ hội lựa chọn nghề học phù hợp.

Tháng 7/2022, chị Nguyễn Thị Loan (SN 1983), ở phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) "chốt" sổ bảo hiểm xã hội. Với thời gian tham gia đóng BHXH 18 năm, chị được hưởng TCTN 11 tháng TCTN (mỗi tháng là 2.058.000 đồng). Sau khi được nhân viên Trung tâm tư vấn, chị Loan chọn học nghề xoa bóp bấm huyệt tại Trường Trung cấp Tây Nguyên trong thời gian 3 tháng.

Chị Loan trò chuyện: "Hiện nay, nhiều người chọn liệu pháp thuận tự nhiên để chăm sóc sức khỏe nên tôi quyết định học nghề này, hy vọng sớm tìm kiếm được việc làm phù hợp. Ngoài 40 tuổi mới khởi nghiệp bằng nghề xoa bóp bấm huyệt cũng sẽ không dễ dàng gì, nhưng ít ra là chủ động về thời gian để chăm sóc gia đình, chăm  4 con đang độ tuổi ăn học".

Ành: Nguyên Thắm
Chị Nguyễn Thị Loan (giữa) đang thực hành thủ thuật, kỹ năng xoa bóp bấm huyệt. Ảnh: Nguyên Thắm.

Ngoài chị Loan, còn có 2 lao động hưởng TCTN học lớp xoa bóp bấm huyệt của Trường Trung cấp Tây Nguyên khóa này. Với thời gian đóng BHXH được 3 năm, anh Châu Bảo Nhật (SN 1983), ở 163/8 đường Y Moan (TP. Buôn Ma Thuột) được hưởng TCTN 3 tháng TCTN (từ tháng 3 đến tháng 5/2023), với mức hưởng hơn 3 triệu đồng/tháng. Điều anh Nhật khá bất ngờ là ngoài được hưởng TCTN hằng tháng, anh còn được học nghề miễn phí. "Chưa biết có "sống" được với nghề mới học không, nhưng ít ra mình có kiến thức, kỹ năng để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và người nhà vẫn hay bị đau vai gáy. Học nghề xong nếu đi làm việc tôi tiếp tục tham gia BHXH bởi chính sách này đem lại nhiều quyền lợi cho người lao động", anh Nhật khẳng định.

Theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg, ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/5/2021 lao động mất việc được tăng chi phí hỗ trợ học nghề từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Với người học dưới 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tiền học phí trường nghề và thời gian học thực tế, tối đa không quá 4,5 triệu đồng/khóa. Với người học 3-6 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/tháng. Việc chia hai gói học nghề trên sẽ đáp ứng nhu cầu của người mất việc. Bởi đa số lao động phổ thông muốn quay trở lại thị trường trong thời gian ngắn; với gói học dưới 6 tháng sẽ đáp ứng được mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp cho người muốn đào tạo chuyên sâu.

Huy Nguyên 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.