Multimedia Đọc Báo in

Những hòa giải viên cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm

08:23, 12/07/2023

Bằng trách nhiệm, sự nhiệt huyết của mình, thời gian qua, những hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn huyện M’Drắk đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay tại thôn, buôn.

Đồng thời tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Giải quyết “thấu tình, đạt lý”

Đến nay anh Lý Bình Dương (dân tộc Dao), Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn 8, xã Ea Pil đã có 12 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở. Thời gian đầu đảm nhận nhiệm vụ này, anh Dương gặp rất nhiều khó khăn bởi trong thôn có nhiều dân tộc sinh sống với các phong tục tập quán khác nhau, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết pháp luật còn hạn chế…

Để làm tốt vai trò hòa giải, khi có vụ việc phát sinh trong thôn, anh luôn chủ động đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con; từ đó có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra phương án giải quyết thấu tình, đạt lý nhất.

Anh Lý Bình Dương (bìa phải) thường xuyên đi thăm các hộ gia đình để nắm bắt tình hình trong thôn.

Điển hình như vụ việc tranh chấp đất rẫy giữa một gia đình trong thôn và hộ dân ở xã Cư Bông (huyện Ea Kar), anh Dương và Tổ hòa giải thôn đã đến tận nhà lắng nghe ý kiến của hai bên, qua đó trò chuyện, phân tích đúng - sai để các hộ dân hiểu. Nhờ vậy, mâu thuẫn đã được hóa giải, giữ lại hòa khí giữa hai gia đình.

Không chỉ làm tốt công tác hòa giải, anh Dương cùng với Chi bộ, Ban tự quản thôn còn vận động nhân dân trong thôn hiến trên 5.000 m2 đất, đóng góp nhiều ngày công để làm đường giao thông nông thôn, tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như nhãn, vải… Nhờ vậy, đời sống người dân thôn 8 được cải thiện đáng kể, thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu Thôn văn hóa. Bên cạnh công tác xã hội, anh Dương cũng tập trung phát triển kinh tế với 3 ha đất trồng mía, sắn… cho thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

Trau dồi kỹ năng “dân vận khéo”

Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn và Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn 2, xã Krông Á cũng đã có hơn 13 năm gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở.

Anh Thắng chia sẻ, công tác hòa giải ở cơ sở có thể nói là “muôn hình, muôn vẻ”, có những việc tưởng chừng đơn giản nhưng nếu giải quyết không khéo léo, sự việc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, để làm tốt vai trò của mình, bản thân anh luôn lấy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo việc gì cũng thành công” làm kim chỉ nam. Anh tích cực tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu sách, báo, mạng Internet để trau dồi kỹ năng “dân vận khéo”, sao cho lời nói và hành động phải có tình, có lý, tạo được uy tín thì người dân mới tin và nghe theo.

Anh Nguyễn Văn Thắng thăm hỏi, động viên các hộ gia đình trong thôn tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy, trong thời gian làm công tác hòa giải, anh Thắng cùng với các thành viên trong tổ đã tiếp nhận và giải quyết thành công ngay tại cơ sở nhiều vụ việc mâu thuẫn như tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, gây rối an ninh trật tự…, không để phát sinh "điểm nóng", khiếu kiện vượt cấp. Bên cạnh đó, anh Thắng đã cùng với Chi bộ, Ban tự quản vận động nhân dân trong thôn hiến trên 2.000 m2 đất, đóng góp nhiều ngày công để làm đường giao thông nông thôn. Ngoài nhiệt tình với công tác xã hội, anh Thắng còn chủ động tìm tòi phát triển kinh tế theo hướng đa cây đa con, đến nay gia đình anh có trên 3 ha trồng mía, sắn, chăn nuôi bò, gà… cho thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng/năm.

Huyện M’Drắk hiện có 142 tổ hòa giải cơ sở, với 875 hòa giải viên. Từ năm 2021 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 99 vụ việc, tiến hành hòa giải thành công 86 vụ việc, góp phần không nhỏ trong giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Mỹ Sự - Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.