Những thanh niên năng động của buôn làng
Ở những xã vùng sâu của huyện Krông Bông, có nhiều thanh niên, đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số đầy nhiệt huyết, vượt lên những khó khăn của cuộc sống, cần cù, năng động, làm kinh tế giỏi, tích cực rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng buôn làng ngày một phát triển…
Năng động làm kinh tế
Tốt nghiệp THPT, thay vì đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam như bao thanh niên khác, anh Y Bri Êban (dân tộc Êđê) ở buôn Cư Drăm (xã Cư Drăm) lựa chọn bám trụ với buôn làng, tham gia các công tác xã hội. Đến nay, mới ngoài 30 tuổi nhưng anh đã có hơn 10 năm làm dân quân tự vệ và công an viên của buôn.
Trong những năm qua, anh cùng với ban tự quản và các đoàn thể luôn giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ sự bình yên cho buôn làng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, vừa đảm nhận công việc, anh vừa tham gia học lớp Trung cấp Luật tại TP. Buôn Ma Thuột. Năm 2017, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Vườn cà phê của anh Y Bri Êban ở buôn Cư Drăm (xã Cư Drăm) luôn đạt năng suất cao vì được chăm bón đúng kỹ thuật. |
Không những vậy, anh Y Bri Êban còn là một thanh niên năng động trong phát triển kinh tế. Sẵn có đất của cha mẹ chia cho, anh chọn 2 ha đất bằng để trồng cà phê, xen cây ăn quả. Ngoài ra, anh thuê máy đào ao nuôi cá, trữ nước tưới cà phê, đồng thời cải tạo hơn 4 sào đất thấp thành ruộng để trồng hai vụ lúa.
Với gần 1 ha đất bằng màu mỡ, anh thường xuyên chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: bắp lai, cây thuốc lá... Thấy gia đình bên cạnh bỏ đất hoang, anh đã thuê để trồng dứa đồi. Những chỗ đất trống anh trồng cỏ voi để nuôi gần chục con bò.
Ngoài ra, gia đình anh Y Bri còn đầu tư mua sắm dàn rạp, bàn ghế, chén đũa, loa đài để phục vụ các lễ hội, đám đình trong buôn và một số buôn bên cạnh. Thời gian rảnh rỗi, anh Y Bri thường dùng chiếc máy kéo đi chở hàng hóa, nông sản thuê cho bà con trong buôn. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi và công việc làm thêm, mỗi năm đem về cho gia đình anh Y Bri gần 100 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí…
Nhạy bén trong sản xuất
“Nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” là nhận xét của bà con khi nói về anh Y Tơk Niê (SN 1994, dân tộc M’nông). Anh hiện là Buôn đội trưởng, Bí thư Chi đoàn buôn Khanh (xã Cư Pui).
Mỗi khi trong buôn có công việc gì, anh Y Tơk luôn là người tiên phong, cùng với ban tự quản có mặt để giải quyết. Anh luôn chủ động xây dựng kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, huấn luyện các em nhỏ trong nhiều hoạt động; vận động các chủ cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn của buôn đóng góp kinh phí hỗ trợ để tổ chức hoạt động cho các em. Năm 2018, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Anh Y Tơk Niê tâm sự: “Buôn Khanh có nhiều thanh niên nhưng phần lớn họ đi làm ăn xa. Trong buôn chỉ còn một số đoàn viên thanh niên là học sinh. Do vậy các hoạt động của Chi đoàn chỉ còn vài người đảm nhiệm. Công việc nhiều nhưng được cấp trên giao phó nên phải cố gắng sắp xếp để hoàn thành nhiệm vụ…”.
Anh Y Tơk Niê (hàng đầu, thứ tư từ phải qua) ở buôn Khanh (xã Cư Pui) là người nhiệt tình trong các phong trào thanh thiếu niên. |
Trước đây, anh Y Tơk Niê đã từng rời quê hương đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam, nhưng nhận thấy việc làm xa nhà với nhiều khoản phải chi tiêu, tiền tiết kiệm không còn lại là bao nên anh quyết định quay về quê để phát triển kinh tế. Là người cần cù, nhạy bén trong trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế, anh đã cải tạo 2 sào đất làm ruộng nước hai vụ; đầu tư, phục hồi, chăm sóc 500 cây cà phê; một số diện tích đất khác thì trồng bắp lai, đất dốc trồng sắn. Vừa qua, anh đã tham quan, học hỏi và kết hợp với bạn bè trong buôn đầu tư hơn 100 triệu đồng trồng 1 ha cây khoai môn (đang chuẩn bị thu hoạch), thay thế diện tích đất trồng bắp lai thường kém hiệu quả. Sản lượng ước tính gần 18 tấn củ. Với giá khoai môn dao động khoảng 20.000 đồng/kg, gia đình anh có thể thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Ngoài ra, gia đình anh đã phát triển chăn nuôi 10 con trâu, bò và một bầy dê sinh sản.
Tiên phong chuyển đổi cây trồng
Còn anh Y Jim Niê (dân tộc M'nông, SN 1997, ở buôn Mnăng Tar, xã Yang Mao) được biết đến là một trong những người đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhập ngũ vào đơn vị 303 thuộc Trung đoàn 584 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) năm 2017, anh được kết nạp Đảng khi đang còn trong quân ngũ. Năm 2019, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự về nhà xây dựng gia đình. Anh được chọn làm Buôn đội trưởng buôn Mnăng Tar. Trẻ trung, năng động, nhiệt huyết, anh luôn giúp Chi bộ, Ban tự quản, Ban Chỉ huy Quân sự xã trong nhiều công việc.
Anh Y Jim Niê (bìa phải) ở buôn Mnăng Tar (xã Yang Mao) có thu nhập cao nhờ làm cây thuốc lá. |
Ngoài công tác xã hội, anh Y Jim Niê dành nhiều thời gian để trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Trước đây, gia đình anh có 8 ha đất nhưng trồng các loại cây không mang lại hiệu quả kinh tế, ít đầu tư, chăm sóc hoặc bỏ hoang nên hoàn cảnh gia đình luôn gặp khó khăn, thiếu thốn. Khi xuất ngũ về, anh cải tạo, chăm sóc hơn 6 sào ruộng nước hai vụ, mỗi vụ thu hơn 4 tấn lúa, vừa đảm bảo lương thực, vừa có thu nhập hàng chục triệu đồng từ tiền bán lúa. Có tiền, anh đầu tư chăm sóc hơn 1 ha cà phê; mua các loại máy móc phục vụ sản xuất như: xe công nông, máy cày đất, máy tưới, máy phát cỏ… Diện tích đất trồng sắn, trồng bắp lai thường ít hiệu quả nên anh chuyển sang luân phiên trồng cây thuốc lá, trồng bắp bố mẹ, trồng dứa... Chỉ tính vụ thuốc lá vừa qua, gia đình anh đã thu lãi gần 90 triệu đồng. Gia đình anh cũng đã đăng ký trồng hơn 3 ha cây keo lai ở phần đất đồi dốc…
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc