Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy

08:23, 12/07/2023

Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, đặc biệt trong mùa mưa bão, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.

Còn nhiều khó khăn

Toàn tỉnh có trên 500 km sông, trên 500 hồ nước tự nhiên và nhân tạo lớn nhỏ với 47.000 ha mặt nước và rất nhiều suối nhỏ, thác nước, ghềnh đá nằm rải rác, len lỏi đi qua những vùng hẻo lánh, giáp ranh, ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Hành khách di chuyển qua sông được trang bị áo phao đầy đủ.

Hiện nay, hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn chủ yếu trên ba tuyến sông chính (Krông Ana, Krông Nô và Sêrêpốk) để chở nông sản theo mùa vụ, chở cát, chở người qua sông; mật độ phương tiện tham gia giao thông thưa thớt, tỷ trọng vận tải hàng hóa không đáng kể so với đường bộ.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 phương tiện thủy lớn nhỏ. Trong đó có 139 phương tiện có gắn động cơ (tàu khai thác, vận chuyển cát), còn lại là tàu thuyền có trọng tải nhỏ, do người dân tự đóng hoặc thuê các cơ sở cơ khí đóng, lắp ráp để hoạt động. Đa số các phương tiện chưa được đăng ký, quản lý, chỉ có số ít các phương tiện khai thác, vận chuyển cát có đăng ký, đăng kiểm nhưng đã hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm đăng kiểm cho các phương tiện thủy, các doanh nghiệp, người dân phải tự liên hệ với chi cục đăng kiểm ngoài tỉnh, phải chờ cơ quan kiểm định tại một số tỉnh, thành phố bố trí đến Đắk Lắk để phối hợp mới kiểm định được nên công tác đăng kiểm gặp nhiều khó khăn.

Ngoài khó khăn trên, một trong những nguy cơ lớn đối với việc bảo đảm ATGT thủy nội địa là việc người điều khiển phương tiện chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy.

Từ đầu năm 2023 đến nay, qua tuần tra kiểm soát (TTKS) trên các tuyến sông, Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT, Công an tỉnh) đã phát hiện 44 trường hợp vi phạm các lỗi như chở hàng vượt quá dấu mớn nước an toàn; không mặc áo phao, không trang bị dụng cụ cứu sinh; không có giấy chứng nhận đăng ký; không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa hạng T3 theo quy định; giao người không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định điều khiển (lái) phương tiện, làm việc trên phương tiện mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự... Theo đó, đơn vị đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 14 trường hợp với số tiền phạt 101,5 triệu đồng; nhắc nhở 30 trường hợp không mặc áo phao.

 

“Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, rất mong mỗi người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến thủy nội địa có ý thức tự bảo vệ mình trước mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra, góp phần bảo đảm trật tự ATGT thủy nội địa”.

 
Trung tá Lương Xuân Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT, Công an tỉnh)

Bên cạnh đó, các vùng nước chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xây dựng, tổ chức, công bố luồng, tuyến giao thông thủy nội địa. Các phương tiện làm nhiệm vụ trang cấp chưa phù hợp, khó di chuyển ở sông có mực nước cạn, nhiều ghềnh đá; chưa trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ để cứu hộ, cứu nạn... khiến công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra dự báo trong năm 2023 có tổng cộng 11 - 13 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển. Trong đó có khoảng 4 - 7 cơn tác động đến đất liền, mưa lớn kèm bão và lưu lượng mực nước trên các tuyến sông dâng cao, các phương tiện thủy di chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới tai nạn, đặc biệt trên các tuyến sông có các bến đò.

Trung tá Lương Xuân Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy cho biết, nhằm bảo đảm TTATGT thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong mùa mưa bão, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã và đang triển khai nắm chắc tình hình, địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thực hiện công tác ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu để chủ động phương án phòng ngừa, ứng phó; phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố tại các công trình trọng điểm, công trình phòng, chống thiên tai, quy trình vận hành, xả lũ hồ chứa để xử lý sớm các sự cố cấp bách; tham mưu Giám đốc Công an tỉnh điều động lực lượng, trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ tập kết đến khu vực ảnh hưởng nặng của mưa, lũ.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải hỗ trợ chính quyền địa phương sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không đảm bảo an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó và thực hiện công tác đảm bảo ANTT, an toàn trụ sở làm việc, các công trình trọng điểm, công trình phòng, chống thiên tai.

Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) tuần tra kiểm soát trên sông Krông Ana.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó (gia cố nhà cửa, thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất, chăn nuôi, khẩn trương thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, thủy sản,...) hoặc sơ tán người dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao nhằm hạn chế thiệt hại gây ra.

Thực hiện các biện pháp hướng dẫn, phân luồng từ xa; duy trì bố trí lực lượng CSGT hướng dẫn giao thông tại các tuyến, vùng bị ngập, lụt, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý sự cố, thiên tai.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan lên phương án cứu nạn, cứu hộ, trong đó xác định lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cần huy động, các nhiệm vụ cần thực hiện để tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu các đối tượng gặp nguy hiểm khi xảy ra.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.