Multimedia Đọc Báo in

Tầm quan trọng của vitamin A đối với sự phát triển của trẻ

08:45, 02/07/2023

Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi rất dễ thiếu vitamin A vì đây là giai đoạn trẻ phát triển nhanh.

Độ tuổi này do sức đề kháng của trẻ còn non yếu nên dễ mắc các bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy, nhiễm giun… dẫn đến thiếu vitamin A. Do đó, phụ huynh cần lưu ý để bổ sung vitamin A đầy đủ cho trẻ.

Theo bác sĩ Vi Thị Huệ, Phó khoa phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, vitamin A là một vi chất có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, rất cần thiết cho quá trình phát triển thị giác, phát triển, bảo vệ toàn vẹn biểu mô và sự phân bào, miễn dịch. Cụ thể, nếu thiếu vitamin A sẽ gây ra hiện tượng quáng gà (trẻ không nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu). Thiếu vitamin A ở mức nặng sẽ gây tổn thương giác mạc mắt, gây mù lòa vĩnh viễn. Khi bị thiếu vitamin A, trẻ bị chậm phát triển về thể chất hơn so với những trẻ bình thường cùng lứa tuổi. Bên cạnh đó, vitamin A còn có vai trò biệt hóa tế bào. Khi thiếu vitamin A, các tế bào biểu mô sẽ bị sừng hóa, các nhung mao bị thưa và mất đi. Vì vậy, trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng trong ruột và dễ mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Ngoài ra, vitamin A tham gia vào các quá trình đáp ứng miễn dịch, làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Nếu thiếu vitamin A, trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi bị mắc bệnh, thời gian bệnh kéo dài hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Nếu bổ sung vitamin A đầy đủ sẽ làm giảm 23% tỷ lệ tử vong ở trẻ em.

Trẻ được uống vitamin A tại Trạm Y tế phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quang Nhật

Để bổ sung đầy đủ vitamin A cho trẻ, cần cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Đối tượng có nguy cơ bị thiếu vitamin A nhất đó là trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi do nhu cầu của trẻ ở giai đoạn này tăng cao trong khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Nếu bữa ăn bổ sung không đa dạng, các thực phẩm không nhiều vitamin A thì sẽ không cung cấp đủ hàm lượng vitamin A cần thiết. Vitamin A được bổ sung thông qua việc đa dạng hóa bữa ăn hằng ngày cho trẻ, cân bằng các thành phần dinh dưỡng, đặc biệt chú trọng các thực phẩm như: gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, pho mát, rau muống, rau ngót, rau cải xanh, bí đỏ, cà rốt, xoài… Điều cần lưu ý là bữa ăn hằng ngày phải có dầu hoặc mỡ thì lượng vitamin A trong thức ăn mới được cơ thể hấp thu bởi vì vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu, mỡ. Mặt khác, hằng năm cần đưa trẻ tới các trạm y tế tại địa phương để cho trẻ được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao 2 lần/năm (ngày 1 - 2 tháng 6 và tháng 12).

Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…), giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.